Cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận thông tin.
Luật Tiếp cận Thông tin đầu tiên của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, tạo cơ hội cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân nhằm thúc đẩy sự minh bạch thông tin nói chung và thu hẹp khoảng cách về thông tin trong các cộng đồng DTTS nói riêng.
Khảo sát năm 2017 của CARE tại 5 xã thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Điện Biên cho thấy, nhìn chung phụ nữ tiếp cận thông tin ít hơn so với đàn ông; mọi người đều hài lòng với thông tin về giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội, nhưng ít hài lòng hơn với thông tin về luật pháp, chính sách và các vấn đề xã hội. Bởi họ cho rằng, các thông tin này tuy có nhưng không đầy đủ, không cập nhật và không thường xuyên; thông tin do chính quyền địa phương cung cấp còn hạn chế về hình thức và kênh chuyền tải, do đó hiệu quả thông tin chưa cao.
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát này, phụ nữ DTTS vẫn còn tụt hậu so với nam giới khi nam giới là thành phần tham gia chính vào các cuộc họp thôn bản. Nam giới cũng được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin khác nhau như tập huấn theo chuyên đề, tài liệu in (tờ rơi, áp phích...), bảng tin và thư viện nhỏ. Vì các nguồn thông tin này thường được đặt ở Văn phòng Ủy ban nhân dân xã nên phụ nữ tiếp cận ít hơn. “Phụ nữ DTTS gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, hơn nữa trình độ giáo dục thấp hơn đàn ông và xã hội vẫn nhiều định kiến về giới nên họ càng khó nâng cao tiếng nói và quyền ra quyết định trong gia đình và cộng đồng” - bà Lê Kim Dung - Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Để góp phần giải quyết các vấn đề trên, CARE đã hợp tác với nhiều tổ chức xã hội và các cơ quan Nhà nước thành lập 6 ban thông tin và truyền thông cấp xã ở 3 tỉnh có khảo sát trên nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và người dân cũng như giữa người dân với nhau.
Giai đoạn 2017-2020, Dự án sẽ góp phần cải thiện việc chia sẻ các thông tin quan trọng trong cuộc sống và sản xuất của phụ nữ DTTS về cả số lượng và chất lượng thông tin. Hơn 30.000 cộng đồng DTTS tại địa bàn có Dự án là Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn sẽ được thụ hưởng. Khi đồng bào DTTS tiếp cận được những thông tin sẽ vận dụng vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng “lõm” thông tin.
Thanh Huyền