Chính quyền và nhân dân xã Bình Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách lớn, nguồn lực nhiều, phủ rộng khắp các lĩnh vực, địa bàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số địa phương. Nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng lên.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành quả tích cực, nhưng kết quả giảm nghèo tại nước ta vẫn chưa bền vững; do đó cần có cách tiếp cận mới, thay đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi… Những cơ chế mới như lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cần được thể chế hóa, cụ thể hóa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Hiện nay, việc triển khai giải ngân vốn từ nguồn ngân sách T.Ư còn hạn chế, việc ban hành văn bản quản lý và triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số nội dung đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất giữa các văn bản của T.Ư. Các dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được. Ngoài ra, đối với trường hợp các hộ nghèo không thể thoát nghèo, như: Hết tuổi lao động (người cao tuổi cô đơn), hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo… Nhà nước chưa có chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ!.
Tỷ lệ tái nghèo giai đoạn 2016-2020 bình quân 3,74%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bình quân là 20,88% so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, một số xã vẫn còn hơn 40% hộ nghèo, có nơi còn đến 60%; một số huyện còn đến 40-50% hộ nghèo.
Báo cáo nghèo đa chiều 2021 được công bố vào tháng 7-2022 đánh giá kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Cùng với đó, chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kết quả điều tra thì 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.
Hiện nay, tuy kết quả giảm nghèo vượt chỉ tiêu đặt ra, nhưng chưa có đánh giá kỹ lưỡng về tính bền vững của công tác giảm nghèo, nhiều địa phương thực hiện giảm nghèo một cách thiếu thực chất, không bền vững. Hằng năm, tình hình kinh tế xã hội có nhiều phát triển biến thiên, tăng trưởng GDP cũng liên tục thay đổi, vì vậy, dùng một chỉ số cố định để đánh giá chuẩn nghèo thì sẽ không phản ánh được chân thực tình hình thực tế. Vì vậy, cần chú trọng nghiên cứu để đảm bảo tính linh hoạt, khả thi, phù hợp của chỉ số quan trọng này.
Nhằm khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8-4-2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan quyết liệt đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở các địa phương. Bộ LĐTBXH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030. Các Bộ, cơ quan rà soát các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, chồng chéo, sửa đổi kịp thời để các địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Cả nước hiện có 6.001/8.211 xã (73,08% xã) đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 4,4%) so với cuối năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Hồ Thanh Hương