Bác nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.
Và ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã được tổ chức trong cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng vừa thành lập, quân đội đang được xây dựng, kho bạc trống rỗng, đồng bào miền Bắc chết đói hàng triệu người, nạn lụt tàn phá mùa màng; đồng bào miền Nam đang phải đương đầu với cuộc xâm lăng và âm mưu chia cắt đất nước của thực dân Pháp, song với niềm tin lớn lao vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân, Bác đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 về Tổng tuyển cử. Sắc lệnh nêu rõ: “Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể, mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền Độc lập và chống ngoại xâm”.
Kết quả là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thu được thắng lợi to lớn. Đồng bào cả nước ta đã nô nức đi bầu cử trong không khí cách mạng và dân chủ. Ở Hà Nội, số ứng cử viên là 74 người, nhân dân đã bầu được 6 người trúng cử, gồm các giáo sư, bác sĩ, luật gia, trong số đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu rất cao. Ở Sài Gòn, cuộc bầu cử đã diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn hơn. Có nơi Ban tổ chức phải đưa đón đồng bào nội thành ra chiến khu để làm nghĩa vụ công dân. Địch tổ chức phục kích, bố ráp, hàng mấy chục người đã hy sinh, trong số đó có 37 cán bộ trong Ban tổ chức Tổng tuyển cử, song Tổng tuyển cử vẫn tiến hành thắng lợi, nhân dân Sài Gòn đã bầu được 6 vị đại biểu Quốc hội đầu tiên, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng, một nhà cách mạng nổi tiếng. Cuộc Tổng tuyển cử cũng đã diễn ra rất sôi nổi trong toàn quốc. Ngày 6-1-1946, nhân dân cả nước đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội.
Có thể nói, những lá phiếu bầu của đồng bào ta trong ngày 6-1-1946 không chỉ là những lá phiếu để bầu ra những người đại diện xứng đáng của mình, mà còn là những lá phiếu thiêng liêng của tầng lớp nhân dân ta bầu cho cách mạng, bầu cho nền độc lập, những lá phiếu kiên quyết kháng chiến, và biểu lộ niềm tin tưởng lớn của nhân dân cả nước đối với Đảng, với Bác Hồ.
Ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên ấy của nước ta đã được báo chí lúc bấy giờ gọi là: “Ngày hội non sông”.
Ngày 2-3-1946: Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I đã long trọng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong lời khai mạc ngắn gọn, Bác Hồ đã nói: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta... gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc...”.
Trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho kháng chiến, kỳ họp này chỉ diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ, họp liên tục từ 8 giờ sáng đến 13 giờ 30 chiều. Bằng uy tín tuyệt đối của mình, Bác Hồ được được Quốc hội giao cho thành lập Chính phủ chính thức của nước ta và đã được toàn thể Quốc hội nhất trí phê chuẩn.
Ngày 28-10-1946: Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I khai mạc trọng thể tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, với 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung bộ, và Nam bộ vì bận chỉ đạo cuộc kháng chiến không ra họp được. Các lãnh sự Anh, Mỹ, Hoa, Thuỵ Sĩ... và nhiều phóng viên nước ngoài đã dự phiên khai mạc.
Kỳ họp thứ hai này cũng rất khẩn trương, có ngày họp tới 1 giờ đêm. 88 câu hỏi chất vấn Chính phủ. Nhiều thành viên trong Chính phủ của bọn Việt quốc, Việt cách đã theo chân bọn Tưởng rút đi. Quốc hội lại giao cho Bác Hồ thành lập Chính phủ mới.
Ngày 9-11-1946, bằng 240 phiếu thuận 2 phiếu chống, Quốc hội khoá I đã chuẩn y bản Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Trong buổi kết thúc cuộc họp, Bác Hồ đã nói: “Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã hoàn thành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử. Bản Hiến pháp còn là một vết tích lịch sử, một Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố cho thế giới biết: Dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông, để được hưởng chung mọi quyền tự do của công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam...”.
Bản Hiến pháp chính thức đầu tiên của nước ta là một tiến bộ của lịch sử. Vào thời điểm ấy, nước ta là nước thứ hai trên thế giới sau nước Nga Xô viết, phụ nữ được quyền bầu cử, ứng cử. Ở Thuỵ Sĩ phải 8 năm sau, và nhiều nước Âu - Mỹ khác thì còn lâu hơn nữa. Ngay trong khoá I, nước ta đã có 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Quốc hội khoá I đã kéo dài 14 năm (1946-1960). Trong bài phát biểu kết thúc Quốc hội khoá I, Bác Hồ nói: “Suốt 14 năm, Quốc hội đã đoàn kết nhân dân, giúp đỡ Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi, và thực hiện nhiều chính sách to lớn ích nước, lợi dân”.
Khi nhắc lại những sự kiện lớn trên đây của Quốc hội khoá I, những sự kiện chính trị cực kỳ sáng suốt và dũng cảm, mà nhờ đó con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”.
Bùi Công Bính