Các thành viên HTX nông nghiệp Rạch Lợp kiểm tra sự phát triển của ruộng lúa.
Thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh (CCB) gương mẫu, nhiều cán bộ, hội viên CCB đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Rạch Lọp (xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) được xem là hình mẫu làm ăn theo mô hình kinh tế hợp tác do hội viên CCB quản lý. Được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng, hiện HTX nông nghiệp Rạch Lọp có 519 thành viên tham gia góp vốn, trong đó có 193 thành viên là đảng viên và trên 80 là hội viên CCB. Ngành nghề kinh doanh của HTX là liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, các dịch vụ thủy lợi, khai thác quản lý chợ, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, xây dựng dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật...
Qua 07 năm hoạt động, Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp không chỉ chủ động liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phảm nông nghiệp cho xã viên, mà còn tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ mới, đến nay HTX đã xây dựng được các sản phẩm gạo Ocop thương hiệu HTX Rạch Lọp. Qua đó, HTX nông nghiệp Rạch Lọp đã góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng hàng hóa tập trung, có quy mô, giúp cho các thành viên và người dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cựu chiến binh Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Rạch Lọp (thành viên CLB doanh nhân CCB, CQN tỉnh Trà Vinh) cho biết: Trải qua 07 năm hình thành và phát triển, HTX nông nghiệp Rạch Lọp đúc kết những bài học kinh nghiệm trong xây dựng phát triển HTX. Nhờ cơ cấu tổ chức bộ máy HTX hợp lý, góp phần thực hiện có hiệu quả, đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội thành viên đề ra hàng năm. Trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, HTX có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, phải phù hợp với nhu cầu thị trường, và đặc thù của địa phương.
“Nhờ đó mà các thành viên trong HTX sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng loại giống, từ đó sản phẩm đầu ra đồng nhất, số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Sản lượng lúa của HTX cho ra thị trường hàng năm đạt từ 1.500 – 2.500 tấn. Nhờ việc bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá bán luôn cao hơn thị trường tại địa phương từ 20 – 50 đồng/kg lúa thương phẩm, giúp xã viên an tâm sản xuất” – ông Khoa nói.
Từ đầu năm đến nay, HTX đạt doanh thu trên 5,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng, HTX nông nghiệp Rạch Lọp giải quyết việc làm toàn thời gian cho 16 lao động, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 40 – 50 lao động. Ngoài ra, HTX có sản phẩm thương hiệu “Gạo Rạch Lọp” chủ yếu cung ứng cho các bếp ăn tập thể, sạp gạo bán lẻ tại các chợ…Từ đó, giá gạo luôn được thay đổi theo giá thị trường trong các đợt giao hàng.
Bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX nông nghiệp Rạch Lọp còn thực hiện tốt chức năng đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý HTX và khuyến nông, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho thành viên. Ngoài ra, HTX thương thảo và ký kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho thành viên.
Ông Huỳnh Thanh Quang (thành viên HTX nông nghiệp Rạch Lọp) tham gia mô hình trồng lúa theo chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia lớp tập huấn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ông xây dựng kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ghi nhật ký đồng ruộng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc BVTV ngoài danh mục.
Ông Huỳnh Thanh Quang chia sẻ: “Tham gia mô hình trồng lúa theo chuẩn VietGAP, được cán bộ Khuyến nông tập huấn về quy trình canh tác, được các ngành chức năng hỗ trợ thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Thông qua những việc làm này giúp tôi thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng khoa học – kỹ thuật. Kết quả, chi phí sản xuất giảm từ 1 – 1,5 triệu đồng/ha, năng suất bằng hoặc cao hơn ngoài mô hình. Tham gia mô hình trồng lúa theo chuẩn VietGAP, tôi nhận thấy chi phí sản xuất, công lao động giảm nhiều, nhất là nông dân biết được thời điểm nào sử dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng hiệu quả, giúp cây chắc khỏe ngay từ đầu vụ mà không tồn dư thuốc BVTV sau khi thu hoạch
Theo đồng chí Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hùng, HTX nông nghiệp Rạch Lọp đạt được kết quả như trên là nhờ vào sự quản lý, điều hành hiệu quả của Hội đồng Quản trị HTX. Trong đó nổi bật là vai trò của đồng chí Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, bản thân đồng chí là hội viên CCB có tâm huyết phát triển kinh tế hợp tác của địa phương. Đồng chí đã rất tâm huyết điều hành, quản lý HTX hoạt động theo đúng định hướng và phát huy được sự đoàn kết, tự lực tự cường trong tập hợp hội viên CCB và xã viên trong phát triển kinh tế hợp tác.
Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, khi trở về đời thường các hội viên Hội CCB luôn phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm xây dựng, phát triển kinh tế vừa làm giàu cho bản thân gia đình; đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Từ đó góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo xây dựng huyện NTM nâng cao ngày càng phát triển.
PHƯƠNG NGHI