Các hộ nghèo Khmer được nhận nhà tình thương.
Để chương trình giảm nghèo triển khai hiệu quả, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu phân công cho đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh nhận giúp đỡ 494 hộ; các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 3.570 hộ thoát nghèo.
Những đơn vị nhận đỡ đầu ngoài lồng ghép và huy động các nguồn vốn hỗ trợ hướng dẫn hộ nghèo xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất, còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý chí thoát nghèo, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, để có phương án giúp đỡ cho phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh các chính sách dành cho đồng bào DTTS được triển khai như Chương trình 135 với tổng nguồn vốn hơn 113 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng…; Bạc Liêu còn có những chính sách hỗ trợ khác như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đỡ đầu hộ nghèo, giải quyết việc làm. Ban Dân tộc tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ gần 3 tỷ đồng để tặng hàng nghìn suất quà, xây dựng 21 căn nhà tình thương, 1 nhà tình nghĩa, đỡ đầu 59 hộ nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 800 lượt đồng bào Khmer.
Xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi có trên 70% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Việc nhận giúp đỡ cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc của các chiến sĩ công an tỉnh Bạc Liêu, không chỉ giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, mà còn có ý nghĩa trong việc đưa cán bộ đến gần dân, sát dân, nắm bắt được tâm tư, đời sống của người dân hơn, nhất là đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ đó, việc truyền tải những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như xây dựng các chính sách liên quan đến người dân cũng phù hợp và thiết thực hơn.
Anh Kim Hoàng Tây - ấp Cái Giá, xã Hưng Hội là một trong những hộ vừa được Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ căn nhà Đại đoàn kết, trị giá hơn 30 triệu đồng và vốn để trồng rau màu. Anh bộc bạch: “Bây giờ đi làm không còn lo cảnh nhà sập nữa. Các anh công an giúp đỡ vừa có nhà ở ổn định, vừa có vốn cho vợ ở nhà trồng rau kiếm thêm thu nhập để cuối năm được thoát nghèo”.
Theo bà Lê Thị Ái Nam - Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu: Thông qua việc phân công nhận đỡ đầu đã thể hiện trách nhiệm từng đảng viên với nhân dân. Vì thế, các đơn vị được phân công đỡ đầu hộ nghèo rất quan tâm về chất lượng chứ không chạy theo thành tích, nếu hộ nghèo nào được đỡ đầu đạt tiêu chí thoát nghèo được là sẽ thoát nghèo bền vững. Dự kiến trong năm sẽ có khoảng 4.000 hộ trong tổng số 7.000 hộ nghèo thoát nghèo.
Nguyễn Tâm