Người dân bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, (Quỳnh Nhai) thu hoạch dong riềng.
Tìm hiểu tôi được biết, có sự thay đổi đó là nhờ Chi bộ bản đã tập trung lãnh đạo bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với những mô hình kinh tế hiệu quả.

Trước đây, cuộc sống người dân chủ yếu tự cung, tự cấp, thu nhập chỉ từ trồng lúa nương, năng suất thấp, vụ được, vụ mất, cuộc sống rất khó khăn. Trước thực trạng đó, Chi bộ ra Nghị quyết lãnh đạo, bản tập trung vận động người dân chuyển đổi đất nương bạc màu sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, như cây sa nhân, cà phê, dong riềng...; đồng thời với bảo vệ rừng phát triển đàn gia súc.

Để đồng bào làm theo, chi bộ giao cho các đảng viên tiên phong làm trước, nhất là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ mô hình của đảng viên, chi bộ tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản cùng học tập làm theo. Điển hình phải kể đến mô hình trồng cây sa nhân của gia đình Sùng A Thu.

Anh Thu kể: Gia đình nhà tôi có đời sống ổn định như hôm nay chính là nhờ trồng cây sa nhân. Cây sa nhân là loại cây dễ trồng, nhất là trồng được dưới tán cây, trồng ven rừng, vừa tốn ít công chăm sóc, vừa bán được giá cao. Vụ sa nhân năm nay mỗi héc-ta gia đình thu được 8 tạ quả tươi, giá 120 nghìn đồng/1kg.

Bí thư chi bộ Vừ Nhìa Súa cho biết: Hiện cả bản có hơn 10ha cây sa nhân; hơn 10ha cây dong riềng; 100ha ngô lai... Ngoài ra, phát huy lợi thế các khu bãi cỏ, bà con còn đầu tư chăn nuôi gia súc, bình quân mỗi hộ có 3 con trâu, bò. Kết quả từ chuyển đổi cây trồng mà cả bản chỉ còn 2/71 hộ nghèo, hơn 50% số hộ trong bản đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ đã xây được nhà mới, sắm xe máy, con em được đi học.

Tuấn Anh