Quang cảnh buổi họp báo.

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn (4-4), sáng 2-4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam thời gian qua.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thống kê tại Việt Nam hiện nay diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.

Từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người tử vong, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai công tác tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4-4 với nhiều hoạt động...

Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay, cả nước có 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Cùng với đó, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 Cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật.  

HÀ VŨ