Một số anh em và bà con họ hàng chân thành góp ý: "Chuyện vào Nam trực tiếp cầm súng giải phóng quê hương đã có anh ấy (chả là chị quê ở Rạch Giá), chị ở ngoài này cứ làm tròn nhiệm vụ bác sĩ và trực tiếp chăm sóc hai con, để anh ấy yên tâm ở chiến trường, cũng là góp phần đánh Mỹ"... Chị cười nói: "Bọn Mỹ - ngụy đã gây tội ác, bắn giết bà con miền Nam mười mấy năm rồi, tôi phải về lại quê hương... Tình hình này mà còn kéo dài... thì hai cháu lớn lên cũng phải cầm súng đi vào trong đó, cả nhà phải chung một đội ngũ ấy chứ!..."

Vậy rồi, một buổi tối vào năm 1967, chị Nguyễn Thị Mến, người mẹ trẻ hơn ba mươi tuổi ấy, đã nuốt nước mắt, từ biệt hai con - những giọt máu quý yêu của mình, để lên đường. Khi chị đi rồi, cũng có người nói: "Chị thật là gan đồng dạ sắt, dám bỏ lại hai con đứt ruột của mình, để đi vào cõi sống chết". Nhưng thật ra, người phụ nữ ấy vẫn là một người mẹ rất đỗi yêu con. Những dòng thư của chị viết trên đường Trường Sơn gửi về cho một người bà con thân thích ở hậu phương miền Bắc, đã nói rõ điều đó: "Những ngày đầu trên đường giao liên, mặc dầu mệt vô cùng, nhưng tôi không tài nào ngủ được. Nằm trên võng mà tưởng như mình đang nằm trên giường, hai bên có hai con nhỏ: Hương và Hùng. Mới chợp mắt, lại nghe rất rõ tiếng khóc gọi má của bé út".

Chị Mến đã mang nặng nỗi nhớ thương hai con vào tận khu Rừng Sát, cùng chiến đấu với chồng - anh Lê Bá Ước, và anh chị em Đoàn 10 - một đơn vị đặc công nước nổi tiếng. Tại đây, cuộc sống chiến đấu suốt năm tháng vô cùng ác liệt, đã làm cho chị Mến khuây khoả dần nỗi nhớ hai con ở miền Bắc xa xôi. Nói đúng hơn, trên cương vị là một bác sĩ, một đại đội phó đại đội quân y của đoàn, hằng ngày phải chăm sóc điều trị các loại vết thương, chị đã thực sự trở thành một người mẹ hiền hết lòng thương yêu các chiến sĩ. Và rồi, được sống gần gũi chồng, chị lại có thêm một cháu trai. Giữa khung cảnh quanh năm đầy bom đạn, đầy chất độc hoá học, đầy sự ác liệt - một "mầm sống" đã ra đời và được mang một cái tên đầy ý nghĩa: Lê Toàn Thắng. Chị tươi cười giải thích cho anh em đồng đội: "Cháu nó được gọi tên là Toàn Thắng, để mang ý nghĩa: Cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc ta nhất định toàn thắng và chỉ có toàn thắng thì cháu nó mới được gặp anh chị nó ở miền Bắc"...

Và rồi... sau đó mấy năm, dân tộc ta đã toàn thắng. Cháu Toàn Thắng đã được gặp mặt anh và chị... nhưng chị Bảy Mến đã không được chứng kiến và hưởng niềm hạnh phúc đặc biệt ấy. Một buổi sáng, như thường lệ, chị đang băng bó các vết thương cho anh em, một máy bay H6 lượn qua ném một quả pháo khói. Chị và đồng đội quân y khẩn trương hướng dẫn anh em thương binh ẩn nấp vào các hầm thì máy bay địch bay tới phóng rốc-két, chị đã ngã xuống...

Khi anh em tới cấp cứu, biết mình bị thương quá nặng, chị khẽ khàng: "Các đồng chí khuyên anh Bảy đừng buồn... Nhắc anh ấy tìm cách đưa cháu Toàn Thắng ra gửi một đồng bào cơ sở nào đó, để sau này anh chị em chúng nó gặp đuợc nhau".

LINH CẢM