*Người dân theo đường "tiểu ngạch" vượt biên giới làm thuê.*Tự ý vượt biên đi làm, không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng, đương nhiên quyền lợi người lao động (NLĐ) không được bảo đảm. Họ phải đối mặt với muôn vàn rủi ro: nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong. Phần lớn bị ép làm công việc nặng nhọc, ngày 3 ca (hơn 12 giờ), báo động là không ít phụ nữ bị lừa bán vào động mại dâm, ép lấy chồng.
Đã có những người “bỏ mạng” khi sang Trung Quốc làm thuê mà nguyên nhân chỉ có thông tin chung chung là “gặp nạn” hoặc “tai nạn”. Như ở xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) có anh Sùng Seo Sánh, thôn Tả Thồ 2 sang Trung Quốc làm thuê được 1 tuần thì có tin báo về là “gặp nạn” chết bên đó. Do anh Sánh không làm thủ tục xuất - nhập cảnh, nên địa phương và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa thi thể về mai táng. Cuối cùng là phải hỏa táng ở bên đó rồi mới mang tro thi hài về được. Hay ở thôn Sán Khố Sủ, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) cũng có trường hợp anh Vàng Dìn Pao (sinh năm 1982), sang Trung Quốc làm thuê và “gặp nạn” để lại bố mẹ già, vợ trẻ và hai con nhỏ.
Theo Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cần triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu hậu quả của việc xuất khẩu lao động chui: Giao UBND các tỉnh và các huyện biên giới trách nhiệm theo dõi, quản lý và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ sang làm việc tại Trung Quốc, chính quyền cấp xã nắm tình hình NLĐ đi làm qua biên giới; tuyên truyền giải thích về chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý đường biên, báo cáo huyện và tỉnh và trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh nhỏ. Nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn lao động qua biên giới làm việc ở các tỉnh biên giới với sự tham gia của ngành Lao động, Biên phòng, Công an tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân phòng ngừa, đối phó với những nguy cơ, rủi ro khi gặp phải.
Dương Sơn