Do ảnh hưởng của mô hình Xô viết và một số yếu tố lịch sử khác, điều dễ nhận thấy trong cách thức tổ chức quyền lực nhà nước ở ta là không có sự phân biệt tương đối rạch ròi giữa hành pháp và hành chính.
Hiến pháp năm 2013 - Điều 94 quy định: "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Như vậy, ở tầm Hiến pháp, hành pháp và hành chính đã không được phân biệt một cách rõ ràng, nếu như không muốn nói là lẫn lộn giữa hành pháp và hành chính.
Hệ quả tiếp theo là trong toàn bộ hệ thống không có sự phân biệt rạch ròi đâu là quan chức hành pháp (nhà chính trị), đâu là quan chức hành chính (công chức); đâu là quan chức có quyền ra quyết định, đâu là quan chức chỉ có quyền thực thi công vụ.
Chính vì thế chúng ta thấy trong thực tế điều hành ở nhiều nơi, thường thì quan chức đứng đầu cơ quan ra quyết định, cũng đồng thời là người đứng đầu trong việc điều hành và triển khai việc thi hành quyết định đó. Cách thức tổ chức công quyền theo kiểu hợp nhất giữa hành chính và hành pháp đang dẫn tới những hậu quả dễ nhận thấy sau đây :
-
Sự lẫn lộn chức năng. Quan chức ra quyết định thì mất quá nhiều thời gian cho các công việc thuộc phạm vị điều hành cụ thể; ngược lại quan chức hành chính lại can thiệp quá sâu vào những vấn đề thuộc tầm ban hành quyết định. Cả hai loại quan chức đều khó hoàn thành tốt công việc của mình. Đây chính là điều mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng chỉ ra trong một Báo cáo đọc trước Quốc hội: "Do chậm tiến hành phân cấp nên Thủ tướng, các Phó Thủ tướng còn bận nhiều vào việc xử lý tình thế, giải quyết công việc sự vụ, chưa tập trung được công sức cho việc xây dựng thể chế và quản lý vĩ mô thuộc chức năng đích thực của Chính phủ".
-
Công việc bị ùn tắc. Trong hệ thống của chúng ta ai cũng bận, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, kể cả ở cấp Trung ương lẫn các cấp địa phương thì lại càng bận.
Lý do là các quan chức này vừa phải làm nhà chính khách, vừa phải làm quan chức điều hành. Vừa phải chủ toạ họp hành, tham gia các uỷ ban, các hội đồng, tiếp khách, tham dự lễ khởi công, khánh thành các công trình...; vừa phải điều hành công việc hằng ngày của cơ quan, ký hầu hết các văn bản điều hành.
Theo một Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thì mỗi một năm cơ quan này phát hành ra 13.000 văn bản các loại. Rõ ràng, chỉ xem xét lại lần cuối rồi ký các văn bản này đã hết vô khối thời gian. Do người điều hành không có đủ thời gian, nên công việc hoặc là cứ phải chờ, hoặc là triển khai trong điều kiện gấp gáp, dẫn đến sơ suất, nghiêm trọng hơn là sai cũng không tránh khỏi. Hậu quả thì “bút sa gà chết”.
-
Tình trạng bị tiếm quyền và lạm quyền. Nhiều quan chức trước khi ký văn bản chỉ đủ thời gian để kiểm tra xem các thủ tục trình duyệt đã đủ chưa, mà không đủ thời gian để xem xét sâu vào nội dung của vấn đề. Xảy ra nghịch lý là người ký trình quan trọng hơn người ký duyệt.
-
Chế độ trách nhiệm không rõ ràng. Mọi việc đều do người đứng đầu quyết định, phê duyệt và chỉ đạo triển khai nên việc quy kết trách nhiệm là khó khăn.
-
Khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ công chức hiệu năng, trung thực, khách quan. Do không có sự tách bạch giữa quan chức hành pháp chính trị và hành chính công vụ nên khó xác định rõ ràng chế độ công vụ, cũng như khó xây dựng phương thức tuyển chọn, giáo dục, đào tạo đội ngũ công chức theo đúng cách thức cần thiết.
Ở các nước phát triển trên thế giới, sự phân biệt giữa hành pháp và hành chính là điều rất được coi trọng. Một số nước, thậm chí, còn tách các cơ quan hành chính độc lập với các cơ quan hành pháp (ví dụ như Thụy Điển). Một số nước khác áp dụng mô hình: Quan chức hành pháp có thể đứng đầu cơ quan hành chính, nhưng chỉ lãnh đạo mà không điều hành cơ quan đó. Việc điều hành các cơ quan này do một công chức đảm nhiệm. Công chức đó có thể được gọi là Tổng thư ký hoặc Thứ trưởng.
Phải chăng trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng cần học hỏi cách thức tổ chức công việc hợp lý hơn của thế giới để vận dụng?
Rõ ràng là không thể “một mình một chợ” được, nhất là thời đại 4.0 thì lại càng không thể “nói nhỏ với máy tính”; quát tháo lại càng không được.
Nhất định phải mặc định Công thức: 1=1=2.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng