Nhưng không phải vậy, từ trong đám đông những người đang làm đường xây dựng nông thôn mới (NTM), một người đàn ông thấp nhỏ, mặc áo màu xanh in dòng chữ “Công ty xây dựng dịch vụ tổng hợp Châu Đoài” bước lại gần chào chúng tôi. Ông tên là Phạm Thái Đoài, chủ doanh nghiệp Châu Đoài, đại biểu HĐND xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Lấy vạt áo lau mồ hôi, ông chỉ tay về phía trước, đây là đoạn đường mà doanh nghiệp đang nhận thi công có chiều dài 1,5km, chạy qua một số thôn trong xã Kỳ Bắc. Bà con ở các thôn có đường đi qua đều chung tay góp công để khẩn trương hoàn thành. Rồi ông đưa chúng tôi đi thăm một số cơ sở sản xuất và khai thác. Ông cho biết: Doanh nghiệp Châu Đoài được thành lập từ năm 2003 chuyên khai thác đá, thi công các công trình dân dụng và 2 năm trở lại đây phát triển cả mô hình chăn nuôi. Ông là một người lính đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông rời quê hương Thạch Đỉnh (Thạch Hà) vào đây lập nghiệp. Cuộc sống gia đình khó khăn đã đưa ông đi làm đủ mọi nghề và cũng chính từ trong gian khổ đã giúp ông trưởng thành. Ông cười nói: Được tôi luyện trong quân đội, mang trong mình phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nên tôi đã trụ lại được ở mảnh đất Kỳ Bắc nghèo khó này.
Cơ sở sản xuất đầu tiên ông đưa chúng tôi đến là một mỏ đá nằm sâu trong vùng núi, đường đi lại khó khăn. Để xe cộ vào được đây, doanh nghiệp đã phải tự bỏ tiền làm hơn 5km đường bê tông, xây dựng đường điện hạ thế. Trước đây chỉ khai thác đá thô, từ khi có dự án Fomosa, doanh nghiệp đầu tư mua sắm thêm dây chuyền máy xay nghiền đá trên 2 tỷ đồng có công suất 75 tấn/giờ. Hiện doanh nghiệp đã có 6 ô tô vận tải, 3 máy đào, 1 máy lu và hệ thống máy xay nghiền đá. Doanh nghiệp luôn chấp hành đầy đủ mọi quy định nhất là công tác đảm bảo an toàn cho người lao động.
Đến thăm mô hình chăn nuôi, ông Đoài cho biết: HTX Hoàng Châu do vợ ông làm chủ nhiệm là cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2011. Khi biết được Công ty khoáng sản thương mại Mitraco Hà Tĩnh có mô hình trang trại nuôi lợn công nghệ cao và sẵn sàng hợp tác hỗ trợ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, chúng tôi đã cử người đi tham quan học hỏi. Được lãnh đạo, chính quyền khuyến khích, doanh nghiệp đã mạnh dạn thuê 14 ha đất làm trang trại, xây 4 nhà với 8 dãy chuồng trên diện tích 5 ha. Với 2 kỹ sư và 12 kỹ thuật viên, bước đầu cơ sở nuôi 350 con lợn nái, 6.000 con lợn cai sữa và 1.000 lợn thương phẩm. Sau gần một năm đi vào hoạt động, HTX đã thu hoạch lứa lợn thương phẩm đầu tiên với trọng lượng bình quân 85-90kg/con. Ngoài thu nhập từ lợn ra, HTX còn nuôi thêm hàng ngàn con gà đồi, 800 con gà lai và có khoảng 5 tấn cá các loại. Thời gian tới HTX sẽ đầu tư xây tiếp 2 dãy chuồng để nuôi thêm 100 lợn nái hậu bị và 700 lợn thương phẩm…
Với những thành tích đã đạt được, doanh nghiệp Châu Đoài vinh dự được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Nông dân và UBND huyện Kỳ Anh. Mới đây, ông là một trong những đại biểu doanh nghiệp CCB của Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh tham dự Đại hội Hiệp hội doanh nhân CCB Việt Nam lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội.
Nhưng phần thưởng lớn nhất mà CCB Phạm Thái Đoài xúc động tâm sự: Đó là sự quan tâm thường xuyên của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội CCB đến thăm và động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ; Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh sau khi đến thăm mô hình của doanh nghiệp đều căn dặn: Phải cố gắng vươn lên để HTX trở thành một điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM của Hà Tĩnh…
Bài và ảnh:
Minh Thi-Tôn Đạo