Sáng hôm ấy, con tàu HQ 996 đưa chúng tôi đến một miền biển lặng. Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó chính uỷ Lữ đoàn M46, Vùng D hải quân, có 20 năm công tác ngoài Trường Sa bảo tôi: Sóng rán mỡ đấy, phía dưới là bãi đá san hô ngầm, Đá Lát kia kìa. Tôi thấy từng đợt sóng lăn tăn xô vào nhau tung bọt trắng, giống một chảo mỡ lớn đang sôi. Xa hơn nữa là đảo Đá Lát với ngọn hải đăng như một lọ mực đen sì mà ai đó đã cắm vào chiếc bút cán ngắn đến vô duyên, hai bên là xác tàu thuyền mắc cạn giống những viên tẩy, nắp bút, mẩu chì bừa bộn ngổn ngang… Tôi tự hỏi, không biết xác con tàu nào là tàu ngầm O-19 của hải quân Hà Lan bị nạn ngày 7-8-1945 và 56 thủy thủ được cứu sống, nhưng xác con tàu đó thì mãi năm 1990, hải quân ta mới chuyển dịch để mở rộng luồng lạch. Rồi cái tên Đá Lát nghe đâu cũng phiên âm từ tiếng Anh, thuyền trưởng Ladd tàu Austen đã tìm thấy đảo ngày 29-3-1843 nên lấy tên mình đặt cho đảo…
Chỉ có hai giờ lên thăm đảo, khi chiếc xuồng đầu tiên cập bến thì chủ nhà cũng xếp một hàng ngang, quân phục nghiêm ngắn chào theo điều lệnh, rồi ôm chầm lấy nhau tay bắt mặt mừng. Bước lên chúng tôi thấy đảo là một ngôi nhà hình đa giác, xây kiên cố bốn tầng, nhiều phòng, nơi nào cũng ngăn nắp và sạch sẽ. Thượng tá Nguyễn Văn Thắng “bật mí”: Đây là đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được cơ quan Bộ Quốc phòng và Quân chủng tặng 10 bằng khen. Chính trị viên đảo, Đại úy Trần Văn Thư xoay chiếc quạt cây về phía chúng tôi rồi nhỏ nhẹ: Học tập các chuyên đề về Bác, chúng tôi vận dụng nhiều nhất là nội dung “cần kiệm”. Ở đây, ngoài đá san hô, nước mặn, còn mọi thứ từ nắm đất trồng rau, nhu yếu phẩm sinh hoạt đều chở từ đất liền ra; nên cần kiệm là vâng lời Bác và thực sự cũng là nhu cầu của đảo. Mỗi ngày, mỗi người tự làm một việc như: nấu ăn ngon, lạ miệng, đánh bắt hải sản; 2 tháng qua, đảo đánh bắt được 150kg cá, thu hoạch gần 1 tạ rau xanh các loại. Anh em tận dụng những mảnh gỗ, miếng nhựa, thùng xốp làm bia bảng huấn luyện trên biển, quy định mỗi người không quá 20 lít nước 1 ngày, có người còn thực hiện 3 ngày mới “tắm thật” 1 lần… Nhìn sang tủ sách bên cạnh, tôi thấy có những cuốn “Hệ thống văn bản pháp luật và chế độ chính sách đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động”, “Búp sen xanh”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Những mấu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… gần 1000 đầu sách, cuốn nào cùng sờn gáy và nhàu nếp gấp do chuyền tay nhau đọc. Trên tờ báo tường “Dâng Đảng” tôi ghi được mấy câu thơ của Trung úy Lê Minh Đức: “Nhớ lời tuyên thệ nghiêm trang/ Tôi, người lính biển thiêng liêng trong đời/ Ngày đêm canh giữ đảo xa/ Dù cho bão táp phong ba/ Không rời vị trí Trường Sa anh hùng…”
Xuống tầng 2, tôi gặp Trung úy Cao Quý Sơn, đó là một chàng trai quê ở phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An, có dáng người nhỏ thó và đen trũi, râu cũng đen dưới cằm nên trông rất “ngầu”; Sơn đang lúi húi chơi điện thoại di động. Em giật mình rồi chìa ra cho tôi xem trên màn hình là một em bé vừa mới đẻ, khuôn mặt tròn hồng xinh xắn, hai mắt nhắm tít và đôi môi như hai cánh hoa đang tủm tỉm. Bấm một hình khác, vẫn em bé ấy nhưng nằm trong túi vải bông, bàn tay ếch ngập ngừng trước một quả bóng bay màu đỏ. “Con em đấy, cháu được 6 tháng rồi, tháng nào vợ em cũng gửi ảnh qua điện thoại. Cháu lớn nhanh anh ạ…”. Cao Quý Sơn nhập ngũ năm 1994, đào tạo tại Trường trung cấp kỹ thuật công binh rồi ra Trường Sa chuyên đi lắp đặt hệ thống năng lượng sạch cho các đảo; em đã làm việc trên đảo Nam Yết, Cô Lin, Len Đao; ở Đá Lát thì đang thi công 5 dàn pin mặt trời, bảo đảm sử dụng điện suốt ngày đêm.
Khi chiếc xuồng đưa chúng tôi trở lại tầu được một quãng xa thì Cao Quý Sơn mới chạy ra đầu bến gọi to: Cuối năm xong nhiệm vụ trở về là con em đã biết đi, anh nhớ nhé.
Kỳ sau: Chi hội CCB trên đảo Song Tử Tây.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm