Chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II của Mỹ - chiến dịch dùng máy bay chiến lược B-52 đánh thẳng vào Hà Nội và các vùng phụ cận bắt đầu. “Hà Nội sẽ bị bất ngờ”. “Hà Nội sẽ không chịu đựng nổi sức mạnh của một Hi-rô-si-ma không có bom nguyên tử”. Các nhà quân sự Mỹ đều cho rằng toàn bộ hệ thống ra-đa mặt đất của Bắc Việt Nam đều bị bưng mắt bởi kỹ thuật gây nhiễu điện tử của không quân Mỹ. Mối đe dọa đối với không quân chiến lược Mỹ chỉ còn “trên 100 máy bay MiG của Bắc Việt”, thì trước đó 30 phút, hàng chục chiếc F.111A đã hoàn thành những phi vụ tập kích quyết liệt xuống hầu hết các sân bay Mig vùng châu thổ sông Hồng. Nhưng Hà Nội đã sẵn sàng nghênh chiến. Việc chuẩn bị đánh máy bay B-52, chúng ta đã tiến hành từ nhiều năm trước. Buổi giao ban chiều ngày 18-12-1972, Tổng trạm ra-đa báo cáo: Sáng nay các hoạt động của không quân Mỹ đột ngột giảm. Nhưng từ 16 giờ 30 phút, toàn bộ các trạm ra-đa đều thông báo: “Nhiễu tạp, cường độ tăng rất nhanh”. 18 giờ 20 phút, Trạm ra-đa 12 ở Quảng Bình và Trạm ra-đa 16 ở Nghệ An đều báo cáo “Có nhiễu B-52”. Tiếp đó, Trạm ra-đa 45 ở Nghệ An phát hiện “Có nhiễu B-52”. 19 giờ, trạm ra-đa 45 Nghệ An kịp thời phát tín hiệu về trung tâm chỉ huy ở Hà Nội, thông báo: “B-52 đang bay tới hướng Hà Nội”.

19 giờ 20 phút ngày 18-12, trên bản đồ đánh dấu đường bay trong Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, các chiến sĩ tiêu đồ đã vẽ đậm nét đường bay tốp B-52 đầu tiên, vượt qua vĩ tuyến 20, vòng qua biên giới Việt-Lào ở phía Tây Bắc và hướng xuống vùng đồng bằng Bắc bộ. 19 giờ 25 phút, không quân ta cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ bay trước dọn đường và đài 1 của các trận địa tên lửa Hà Nội đều thu được dải nhiễu B-52.

19 giờ 40 phút, những tốp B-52 đầu tiên tiến vào “vùng trời Hà Nội chật hẹp” và gặp ngay “cuộc chào đón dữ dội bằng tên lửa đất đối không của ta”. Robert Welff, đại úy không quân Mỹ viết: “Tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay ném bom… Từ khi tiến vào mục tiêu, anh xạ thủ của tôi đã đếm được 32 quả tên lửa SAM bắn lên, hoặc ít ra cũng bắn sát máy bay chúng tôi… Chiếc máy bay số 2 trong tổ bay mất liên lạc nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu…”. Năm 1979, Giôn Grin-út viết tỉ mỉ hơn trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam”, có đoạn: “Chiếc máy bay mang mật danh “than củi” dẫn đầu 9 chiếc B-52G cất cánh từ Gu-am đánh vào khu nhà kho Yên Viên-Ái Mộ, bị 2 tên lửa đất đối không bắn trúng trước khi trút bom và đã rơi xuống phía tây bắc Hà Nội. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hỏa lực phòng không của đối phương bắn rơi trong chiến dịch…”.

Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 từ trận địa bên thành Cổ Loa lịch sử đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52G trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào lúc 20 giờ 13 phút. Sau trận đánh, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng kể lại: “Bom nổ quanh trận địa, nhưng các trắc thủ vẫn rất bình tĩnh, thao tác chính xác. Trong những dải nhiễu dày đặc, chúng tôi vẫn bắn rơi tại chỗ chiếc B-52G vì kíp chiến đấu dũng cảm và có đôi bàn tay vàng”.

Chiếc máy bay B-52 thứ hai bị bắn rơi tại chỗ là chiến công của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, đơn vị bố trí trận địa ngay bên bến phà Chèm. Đinh Thế Văn, Tiểu đoàn trưởng kể: “Tôi luôn nghĩ “không đánh thắng là có tội”. Nhưng không ngờ trận này tín hiệu B-52 lại nổi rõ như vậy. Tôi ra lệnh “Bám sát tự động”. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức phóng liền 2 quả, đạn đã gặp mục tiêu ở cự ly 18km, tín hiệu vỡ tung và mất ngay. Đó là chiếc B-52D xuất phát từ căn cứ U-ta-pao (Thái Lan), rơi tại xã Tân Hưng, huyện Quốc Oai, Hà Nội, lúc 4 giờ 39 phút.

Đêm ngày 18-12, miền Bắc bắn rơi 5 máy bay Mỹ, có 3 B-52, trong đó Hà Nội bắn rơi tại chỗ 2 B-52, bắt sống 7 tên giặc lái B-52. Vẫn theo Giôn Grin-út viết: “Trong đêm thứ nhất, 121 phi suất đã oanh tạc khu liên hợp Kim Nỗ và Yên Viên, 3 sân bay Mig, nhà máy xe lửa Gia Lâm và Đài phát thanh Mễ Trì. Lực lượng phòng không đối phương đã bắn trên 100 quả đạn tên lửa và hàng ngàn phát đạn pháo phòng không, bắn rơi 3 B-52 và bắn bị thương 2 chiếc khác”. Trường hợp chiếc B-52 thứ ba bị bắn rơi, Giôn Grin-út viết: “Đến nửa đêm, 30 máy bay B-52 cất cánh từ Gu-am oanh tạc Hà Nội một lần nữa. Một chiếc B-52 bị thương nặng vì tên lửa đất đối không và rơi ở Thái Lan…”.

Trận thắng đêm ngày 18-12-1972 tại Hà Nội là một trong những trận đánh then chốt mở đầu chiến dịch, có ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, quân sự và nghệ thuật chiến dịch, có tác dụng cổ vũ và động viên quân và dân ta giành nhiều chiến thắng lớn hơn.

Xuân Mai