Sau khi giông lốc xảy ra, các sở ngành, đơn vị liên quan đã tập tủng thực hiện ngay phương án xử lý, khắc phục hậu quả trong thời gian nhanh nhất. Ngoài các lực lượng chuyên ngành có sự phối hợp hiệu quả, kịp thời của Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô, lực lượng CSGT, CSTT, PCCC, Thành đoàn Hà Nội... Cho đến sáng 16-6, tất cả cây xanh bị gãy đổ, ảnh hưởng đến giao thông đã được khắc phục. Số cây xanh còn lại ở các khu vực công viên, vườn hoa... đang tiếp tục được xử lý.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc khắc phục hậu quả này có chậm không? Phó giám đốc Võ Nguyên Phong trả lời; do khối lượng cây gãy đổ rất lớn trong khi phương án đã xây dựng của lực lượng chức năng chỉ đáp ứng tối đa với 300 cây. Do đó, công tác khắc phục cần thời gian, phương tiện, nhân lực để bảo đảm yêu cầu về mặt kỹ thuật, an toàn. Việc giải phóng ưu tiên toàn bộ những khu vực có cây gẫy đổ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, công trình, sau đó mới tập trung các khu vực còn lại. Trả lời câu hỏi của phóng viên về nhiều cây gãy đổ mới trồng trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyên Xiển đã để lộ ra phần gốc nguyên bầu bọc trong ni lông hoặc lưới, được chôn nông, rễ không đâm ra được thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây không? Ông Phong cho rằng, Sở Xây dựng cũng đã biết qua người dân phát hiện và dư luận, Sở đã giao cho các đơn vị kiểm tra. Nếu vi phạm quy trình trồng cây, sẽ xử lý vi phạm theo quy định. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án và đơn vị tham gia trồng cây. Còn là đơn vị nào thì Sở đang kiểm tra để làm rõ. Kiên quyết xử lý, nếu trồng cây "nguyên bầu" là sai truy trình.
An Hà