Hôm ấy, ngày 19-8-1945, một ngày lịch sử vĩ đại, một ngày Chủ nhật đẹp trời cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực cờ Việt Minh... Ở nội thành, công nhân các nhà máy đều nghỉ việc, các chợ vắng hẳn người, các hiệu buôn đóng cửa. Tuyệt đại đa số quần chúng đều xuống đường tham gia biểu tình. Tại các cổng nhà máy, các ngã ba, ngã tư đường phố, quần chúng tập họp hát “Tiến quân ca”, hô khẩu hiệu, mang theo đủ loại vũ khí. Cả một biển người tràn ngập các đường phố dẫn đến Nhà hát Lớn.

Lực lượng tự vệ chia thành nhiều bộ phận theo kế hoạch cụ thể. Các mũi xung kích cùng quần chúng đi chiếm những nơi trọng yếu; một bộ phận được bố trí bảo vệ cuộc biểu tình...

Vào lúc 11 giờ, cuộc mít tinh khởi nghĩa diễn ra ở quảng trường Nhà hát Lớn. Kết thúc mít tinh, khối quần chúng cách mạng chia làm hai ngả, có LLVT dẫn đầu đi chiếm các nơi trọng yếu theo kế hoạch đã định trước.

Đoàn đi chiếm Phủ Khâm sai, do anh Nguyễn Khang - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy phụ trách, có Đoàn công nhân xung phong dẫn đầu. Mặc lực lượng bảo an ra sức cố thủ, nhưng trước sức mạnh của quần chúng, binh lính phải mở cửa Bắc Bộ phủ và cùng bọn quan lại, nhân viên trong bộ máy ngụy quyền ra đầu hàng. Một công nhân cứu quốc đã nhanh chóng hạ cờ của chính quyền bù nhìn trên nóc Phủ Khâm sai xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên, giữa tiếng reo hò vang dậy của quần chúng...

Đoàn biểu tình đi chiếm Trại Bảo an binh, do tôi phụ trách, có Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong dẫn đầu. Trước đó, Ủy ban Khởi nghĩa đã gửi thư cho tên Thụ - quan ba, chỉ huy trại, thuyết phục hắn quy thuận Việt Minh; nhưng khi chúng tôi đến, cổng trại vẫn đóng chặt. Tình hình rất khẩn trương, buộc tôi phải hạ lệnh phá cổng. Lực lượng tự vệ tiến vào sân. Tên Thụ xin gặp chỉ huy của ta. Hắn cho biết đã nhận được thư của ta, nhưng còn phải trình lên cấp trên. Lập tức tôi phủ đầu hắn: Việt Minh đã chiếm Phủ Khâm sai; cấp trên của hắn đã đầu hàng; đồng thời, tôi ra lệnh cho hắn tập trung binh lính lại, nộp vũ khí. Thấy tên này ấp úng, chần chừ, tôi quát: “Không được lần chần. Toàn Trại Bảo an binh phải nộp vũ khí ngay lập tức. Anh em sĩ quan, binh lính, ai muốn trở về quê, sẽ được cách mạng giúp đỡ. Ai tự nguyện đi theo cách mạng sẽ được tiếp nhận”. Tên Thụ buộc phải ra khỏi phòng, mặt tái xanh tái xám. Trong khi đó, nhờ có một số nhân mối trong lính bảo an chỉ dẫn, tự vệ ta chiếm ngay kho vũ khí và những vị trí quan trọng trong Trại Bảo an binh. Quần chúng bên ngoài hô vang khẩu hiệu đấu tranh, rầm rộ cổ vũ chúng tôi nhanh chóng tước vũ khí của bảo an binh và giải thích chính sách của Việt Minh cho họ. Ta thu nạp một số, còn lại cho cho về quê.

Thế là Trại Bảo an binh - một vị trí quân sự quan trọng của chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Hà Nội, với hơn 1.000 binh lính được trang bị đầy đủ vũ khí đã vào tay Việt Minh. Ngay lúc đó, ở bên ngoài bỗng có tiếng hô khẩu hiệu vang lên mạnh mẽ khác thường. Rồi một đồng chí tự vệ chạy vào báo tin: “Nhật đã mang xe tăng tới bao vây chúng ta”.

Lập tức, tôi báo cáo tình hình với anh Nguyễn Khang; đồng thời, cho tự vệ bố trí sẵn sàng chiến đấu. Quần chúng thì vòng trong vòng ngoài vây chặt lấy nhóm sĩ quan Nhật, hô khẩu hiệu hậu thuẫn.

Quân Nhật cứ nằng nặc đòi tước vũ khí của chúng tôi và đòi chiếm lại Trại Bảo an binh. Nhưng chúng tôi cương quyết không chấp nhận. Không những thế, một số cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền xung phong còn tỏ ra bực bội, đề nghị tôi “sửa” cho chúng một trận. Về phần mình, nắm chắc chủ trương của Thành ủy, nên một mặt tôi giải thích cho anh em cần bình tĩnh, tránh đụng độ với quân Nhật; mặt khác tôi cho củng cố hàng ngũ quần chúng, tiếp tục bao vây địch.

Tôi tuyên bố với quân Nhật: “Các anh hiện nay là những kẻ bại trận, chỉ đợi nay mai quân Đồng minh vào tước vũ khí rồi về nước. Bố mẹ, vợ con các anh đang chờ các anh. Nếu cac anh gây sự với chúng tôi, chúng tôi quyết đánh thắng các anh và các anh sẽ bị thiệt mạng vô ích. Cuộc cách mạng của chúng tôi đã giành thắng lợi ở khắp nơi rồi. Tốt nhất là các anh trở về vị trí cũ. Các anh không được đụng chạm vào công việc nội bộ của người Việt Nam chúng tôi”.

Tôi vừa dứt lời, quần chúng đứng xung quanh đồng thanh hô vang:

- Ủng hộ Việt Minh!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

Tiếng hô vang dội kéo dài như sấm dậy, khiến quân Nhật vô cùng sợ hãi.

Giữa lúc đó, một phái đoàn ngoại giao của ta được phái đến Bộ Tham mưu quân Nhật, đấu tranh với chúng; đồng thời, chúng tôi lại được tăng viện thêm lực lượng tự vệ; tiếp theo là quần chúng cách mạng rầm rộ kéo tới. Quân Nhật càng hoang mang lúng túng. Năm giờ chiều ngày 19-8, quân Nhật phải rút về doanh trại của chúng. Việc chiếm Trại Bảo an binh hoàn toàn thắng lợi. Cùng thời gian này, việc chiếm Ty Liêm phóng (Bưu điện) và một số công sở khác cũng hoàn thành. Đến chiều ngày 19-8, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay lực lượng cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, LLVT và nhân dân Hà Nội đã bình tĩnh, kiên quyết lấy trí tuệ, tinh thần chọi với sắt thép và đã giành thắng lợi nhanh, gọn.

Đêm hôm đó, Hà Nội tưng bừng không khí ngày hội chiến thắng lớn. Công nhân Nhà máy Điện tự động cắt hết các chụp đèn phòng không trong thành phố. Cả Hà Nội sáng rực ánh đèn và màu cờ đỏ chói, ghi lại ngày lịch sử vẻ vang của giai cấp Công nhân, Nông dân và các tầng lớp nhân dân Hà Nội cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi trong điều kiện bị quân thù bao vây tứ phía.

Đại tướng nguyễn quyết  - Bí thư Thành ủy Hà Nội (trong Cách mạng Tháng Tám)