Một góc gian hàng của tỉnh Hà Giang tại Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là với các địa phương của Trung Quốc, các nước phát triển, các tổ chức Quốc tế. Qua đó, thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, tài trợ, nguồn lực khoa học công nghệ để đưa Hà Giang sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành trong cả nước. Chiến lược hội nhập xác định ba lĩnh vực, mục tiêu cơ bản là: Hội nhập về kinh tế quốc tế, hội nhập về chính trị, quốc phòng và an ninh, hội nhập về văn hóa, xã hội, dân tộc, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 33 dự án, chương trình của 16 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đang hoạt động; tiến hành thu hút 9 dự án ODA và tiếp tục triển khai thực hiện 22 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn. Năm 2017, tỉnh ký kết mới 10 thỏa thuận, hợp tác quốc tế và tiếp tục triển khai thực hiện 19 thỏa thuận đang còn hiệu lực; tổ chức 4 hội nghị, hội thảo quốc tế và tham dự 4 hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần hỗ trợ phụ trợ công nghiệp Nhật Bản tại Hà Giang; xây dựng thỏa thuận khung hợp tác thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Phục hồi chức năng liên doanh Nhật – Việt giai đoạn 1; các hoạt động ngoại giao văn hóa được chú trọng, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu; tổ chức các hoạt động quảng bá về mảnh đất, con người Hà Giang. Năm 2017, toàn tỉnh có 133 đoàn/679 lượt cán bộ, công chức đi làm việc, giao ban định kỳ, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, học tập và tự túc đi khám, chữa bệnh, tham quan, du lịch tại nước ngoài.

Hiệu quả hoạt hội nhập quốc tế thể hiện rõ ở ngành du lịch. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Triệu Thị Tình cho biết: Tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế thông qua Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước; thu hút được sự quan tâm của hơn 100 doanh nghiệp lữ hành và nhiều nhà đầu tư lớn như: Vin Group, Sun Group, Mckinsey... Ngành cũng quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục cấp visa; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, dịch vụ chuyên nghiệp.

Nhờ các biện pháp đồng bộ, năm 2017, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 900.000 lượt người, trong đó khách quốc tế là 177.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, quá trình hội nhập quốc tế của Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tiềm lực của tỉnh còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, công tác hội hập quốc tế chưa đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao, kinh tế phát triển ổn định và cơ chế quản lý, phối hợp hiệu quả, tin rằng Hà Giang sẽ từng bước tiến nhanh trên con đường hội nhập.

Lê Hải