Cựu chiến binh Nguyễn Duy Luyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa.

Giữa thời bình vẫn ngời sáng phẩm chất của người lính cụ Hồ không cam chịu, khuất khục trước khó khăn, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Luyện (SN 1961) ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa luôn trăn trở tìm hướng đi, trở thành người tiên phong đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Năm 1979, ông tham gia Trung đoàn 14, Sư đoàn 313, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang), bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1984 xuất ngũ trở về địa phương tham gia công tác xã hội với nhiều chức vụ khác nhau như: Đội trưởng, Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Đông Văn, xã Quảng Đông (nay là phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa).

Xuất thân từ gia đình nhà nông, ông luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để có thể phát triển kinh tế gia đình. Ông chia sẻ: “Nhận thấy nơi đây điều kiện tự nhiên màu mỡ nhưng việc lấy nước khó khăn, nên tôi mới nghĩ ra phương án làm thế nào để cải thiện, điều hành nước tưới thuận lợi cho việc nuôi trồng trong nông nghiệp”.

Từ suy nghĩ đó, năm 2009 khi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Đông, là người đứng đầu, ông đã quyết tâm khắc phục khó khăn để đầu tư phương tiện máy móc cơ giới hóa nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất cho bà con, rút ngắn thời gian, giảm lao động thủ công, giảm sâu bệnh cho cây trồng và thực hiện liên kết các khâu dịch vụ có hiệu quả.

Năm 2016, ông chính thức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp phường Quảng Đông. Mục tiêu HTX đưa ra là cung ứng vật tư nông nghiệp: phân đạm, kali cho Nhân dân trong xã; sản xuất mạ khay máy cấy, máy làm đất; tạo việc làm cho người dân lao động.

HTX đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mua sắm khay nhựa làm mạ khay, máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc, máy gặt đập liên hợp, máy gieo hạt... Tranh thủ sự giúp đỡ của UBND Thành phố Thanh Hóa để đầu tư làm thí điểm mô hình cơ giới hóa đồng bộ của thành phố, hỗ trợ máy móc để phục vụ mô hình cơ giới hóa đồng bộ 60 ha trên địa bàn xã.

Điển hình trong cách làm của HTX là mô hình gạo sạch với diện tích 9,5 ha được triển khai từ năm 2019 đã đem lại nhiều kết quả và điểm mới trong sản xuất nông nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Duy Luyện cho biết: “Điểm khác biệt của gạo sạch so với gạo thông thường là không bỏ đạm, không phun thuốc trừ sâu. Việc bón bằng phân hữu cơ tuy không cho năng suất cao nhưng giảm được sâu bệnh ở cây trồng”.

Trải qua 4 vụ, bình quân mỗi vụ thu hoạch được khoảng 35-40 tấn, tuy nhiên mô hình gạo sạch chưa đi sâu vào thị trường mà chỉ cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn ở khu vực Sầm Sơn. Để bảo đảm giá trị dinh dưỡng và chất lượng gạo ngon, HTX đã đầu tư 1 máy sấy thóc công suất 5 tấn nhằm đồng bộ hóa chuỗi sản xuất.

Ngoài mô hình gạo sạch, HTX còn mở rộng chăn nuôi ngan, gà, vịt, mô hình cá - lúa kết hợp, trồng cây ăn quả... Hiện nay HTX đã và đang tạo việc làm cho 59 lao động có việc làm thường xuyên. Sau khi trừ chi phí, hằng năm hợp tác xã có lãi hơn 300 triệu đồng.

Bằng nghị lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế hợp tác xã, phát triển kinh tế địa phương, CCB Nguyễn Duy Luyện luôn được mọi người đánh giá cao. Chủ tịch Hội CCB phường Quảng Đông Nguyễn Quang Trung, cho biết: “Đồng chí Nguyễn Duy Luyện là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của HTX và sản xuất nông nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí đã thường xuyên làm công tác từ thiện, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, giúp đỡ nhiều lao động thoát nghèo".

PV