Ông Lầu Văn Vừ (áo đen bên phải)- Bí thư chi bộ xóm Phú Thọ- xã Phú Đô(Phú Lương) cùng lãnh đạo Đảng ủy xã trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất với bà con nông dân xóm Na Sàng

“Trồng cây gây rừng” là vấn đề cấp thiết với Việt Nam. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện đạt gần 42%, một tỷ lệ còn thấp so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và đáng nói, rừng của chúng ta là rừng trồng mới, không có nhiều giá trị như rừng tự nhiên. Năm nay, tình trạng sạt lở đất sau bão lũ gây ra những tai nạn khủng khiếp, thiệt hại về người và của nghiêm trọng đến mức chưa từng thấy. Nguyên nhân chắc chắn là do chúng ta đã khai thác rừng tự nhiên quá tàn nhẫn.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã phát biểu về vấn đề này và được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất với Quốc hội ý tưởng trồng 1 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm tới. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tán thưởng ý tưởng này, cho rằng mục tiêu đó có thể thực hiện được, nhưng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Tuy vậy, then chốt nhất là người đứng đầu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải gương mẫu. Có thể nói, để làm chuyển biến nhận thức của cả xã hội là khó, nhưng nếu tập trung làm chuyển biến nhận thức của Chủ tịch UBND và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư thì không khó. Vì nước ta chỉ có 63 tỉnh, thành phố với tổng số 126 người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương.

Nếu 126 vị này có nhận thức đúng, có quyết tâm cao trong giữ rừng và trồng rừng, thì chắc chắn công tác này sẽ chuyển biến, tiến bộ. Tập trung tác động làm chuyển biến gần 100 triệu con người thì khó, tập trung tác động làm chuyển biến 126 vị cán bộ có trình độ cao - chắc chắn không khó!

Vì sao các “quan đầu tỉnh” lại nắm vai trò then chốt trong giữ rừng và trồng rừng hiện nay. Bởi họ có đầy đủ thẩm quyền để làm việc này.

Ví dụ nóng sốt: UBND tỉnh Ninh Bình vừa có tờ trình gửi Bộ NNPTNT về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà. Theo đó, Ninh Bình dự kiến lấy 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi!

May sao, Bộ NNPTNT đã dẫn Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ để “stop” quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình. Vì theo quy định của Chính phủ: “Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản”.

Chẳng lẽ, khi đề xuất quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình lại không nắm được quy định của pháp luật? Và cao hơn cả, trong tình hình hiện nay, ý Đảng, lòng Dân về giữ rừng, trồng rừng như thế, lẽ nào lãnh đạo tỉnh Ninh Bình lại có thể mặc nhiên mà đề xuất một quyết định mà thực chất là “phá rừng” tự nhiên như thế!

Cũng liên quan đến việc giữ rừng, bên cạnh việc chấp hành nghiêm quy định “đóng cửa rừng” mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo cấp tỉnh cần phải gương mẫu trong sử dụng các sản phẩm từ rừng tự nhiên.

Chẳng hạn, trong các bữa tiệc liên hoan, cần kiên quyết nói không với thịt thú rừng. Bản thân người viết bài này từng được lãnh đạo một tỉnh mời ăn thịt cầy hương (nhưng dán mác “thịt chó”). Nếu cứ nhắm mắt “ăn của rừng” như thế, thiên tai, thảm họa làm sao giảm được?

Chẳng hạn, trong nhà các quan chức cấp tỉnh cần kiên quyết nói không với các sản phẩm gỗ quý hiếm chỉ tìm thấy trong “sách đỏ” về các khu rừng nguyên sinh. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cũng đã công khai đăng đàn Quốc hội về vấn đề này. Ông nói rằng, rất mong đội ngũ cán bộ không dùng đồ gỗ quý hiếm. Nhiều người dùng rồi tặc lưỡi, cho rằng đây là gỗ quý hiếm nhưng khai thác tận bên... Lào hay Thái Lan. Những cách ngụy biện như vậy chỉ là tự dối lòng mình. Phải nói thật là, rừng bị phá, gỗ quý hiếm chạy về nhà cán bộ không ít. Cán bộ thích đồ gỗ quý hiếm, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để làm quà biếu cán bộ. Cho nên, nếu cán bộ tỉnh gương mẫu, sẽ làm gương cho cấp dưới noi theo. Thậm chí, cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn toàn có thể mở một cuộc vận động: “Cán bộ, đảng viên nói không với đồ gỗ quý hiếm”.

Biết giữ rừng thì sẽ biết trồng rừng. Các chuyên gia đã tính toán rằng, nước ta còn rất nhiều diện tích để trồng 1 tỷ cây xanh như đề xuất của Thủ tướng Chính phủ. Quan trọng các địa phương có hưởng ứng hay không mà thôi!

Cho nên, trồng rừng, giữ rừng, rất cần sự gương mẫu của lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Hà Thanh