Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, hoa cảm ơn bác Nguyễn Mạnh Tường, 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt. Ảnh VGP
Ngay mở đầu Lời kêu gọi toàn dân đóng góp xây dựng Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 trong Lễ ra mắt tối 5-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Phương pháp chống dịch, chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hướng đến cuộc sống của người dân...”.
Đây chính là căn cốt để thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, theo chỉ đạo của Ban Bí thư ngày 27-4: “Tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội”.
Thế nào là “giải pháp dễ” trong phòng, chống dịch Covid-19.
Còn nhớ, tại Hội nghị Giao ban Báo chí hằng tuần của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đại ý: Nếu bây giờ chọn giải pháp dễ thì tôi ra lệnh cho các tỉnh có dịch thực hiện cách ly cao nhất thì mình nhàn nhã. Còn chọn giải pháp khó là vừa cách ly thành công vừa bảo đảm an sinh xã hội thì mình phải vất vả!
Những ngày này nhiều tỉnh, thành - nhất là hai tỉnh “tâm dịch” Bắc Giang và Bắc Ninh đã chọn “giải pháp khó” - nghĩa là lãnh đạo địa phương phải lăn lộn hơn, sâu sát hơn, sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh để chặn dịch mà không phải chặn “dòng chảy” kinh tế - xã hội. Nhưng cũng lại vẫn còn địa phương này, địa phương khác chọn giải pháp dễ: “ngăn sông cấm chợ”; cấm cực đoan... để Chính phủ phải chấn chỉnh.
Ở đâu. Ai chọn giải pháp dễ? Ở đâu. Ai chọn giải pháp khó trong phòng, chống dịch? Thống kê được sẽ thêm rõ ra bản lĩnh đội ngũ “công bộc” của dân ở địa phương này, Bộ, ngành kia.
Huy Thiêm