Vào năm 2010, Amelia Carolina Sparavigna, một nhà vật lý của Đại học Bách khoa Turin tại Italy, phát hiện những hình vuông khổng lồ trên sa mạc Taklamakan ở phía tây Trung Quốc sau khi phân tích ảnh từ vệ tinh của dịch vụ Google Map. Mỗi hình vuông được tạo nên bởi nhiều chấm tròn. Nếu nhìn từ trên không trung, chúng tạo thành một thứ giống như bàn cờ khổng lồ. Sau khi Sparavigna công bố phát hiện này, nhiều nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu những hình khối kỳ lạ, song họ chưa tìm ra bản chất của chúng.
Từ năm 2010 tới nay, Sparavigna vẫn tiếp tục nghiên cứu các ảnh vệ tinh về "bàn cờ" khổng lồ. Bà nhận thấy dường như những chấm tròn là hố hoặc gò đất.
Thế rồi Sparavigna tìm thấy một bài báo tiếng Trung kể về việc các nhà địa chất phát hiện các mỏ nickel lớn bên dưới những đụn cát trên sa mạc Taklamakan. Bà kết luận rằng các nhà địa chất Trung Quốc đã đào nhiều hố trên sa mạc để thăm dò trữ lượng nickel bên dưới bề mặt sa mạc. Họ hất đất thành nhiều đống ngay cạnh các hố.
Sparavigna cho rằng các chính phủ nên lập dữ liệu về các hình khối kích thước lớn do con người tạo nên trên khắp hành tinh.
Quỳnh Anh (TH)