Bồ công anh thường được phối hợp với các vị thuốc khác, khi đắp ngoài là bài thuốc trị ung nhọt.

Theo cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Khoa học và Kỹ thuật), bồ công anh còn có nhiều tên gọi khác như cây mũi mác, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc… thuộc họ cúc. Bồ công anh có thể dùng tươi hoặc phơi khô.

Trong Đông y, bồ công anh có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, thanh nhiệt, tán kết. Bồ công anh được dùng điều trị tỳ vị có hỏa uất, sưng vú, áp xe, tràng nhạc, mụn nhọt, ngày dùng từ 20 đến 40g cây tươi ép lấy nước hoặc từ 8 đến 30g cây khô sắc uống. Bồ công anh thường được phối hợp với các vị thuốc khác, khi đắp ngoài là bài thuốc trị ung nhọt. Có một số trường hợp người ta còn uống để điều trị bệnh dạ dày, ăn uống kém tiêu.

Một số trường hợp nên thận trọng khi dùng bồ công anh làm thuốc là những người âm hư hoặc tràng nhạc, ung nhọt đã vỡ mủ.

Một số bài thuốc có bồ công anh:

- Bài thuốc tiêu độc chữa sưng vú: Bồ công anh (12g), ké đầu ngựa (12g), vòi voi (12g), liên kiều (12g), kim ngân hoa (10g), kinh giới (10g), hạ khô thảo (10g), cỏ mần trầu (10g). Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

- Chữa đau dạ dày: Lá bồ công anh khô (20g), lá khôi (15g), lá khổ sâm (10g), nước (300ml). Đun sôi trong vòng 15 phút, thêm đường, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày. Nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục uống cho đến khi khỏi.

- Chữa mụn nhọt, làm nhọt chóng chín và vỡ mủ: Lá bồ công anh tươi phối hợp với lá phù dung, rễ vông vang hoặc rễ gai, giã đắp.

Thùy Linh