Gia đình anh Rơ Châm Jin, ở làng Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được tặng bò giống làm sinh kế thoát nghèo.
Từ chỗ gia đình thiếu đói đến thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, chị Rơ Lan H’Blơn, ở làng Đo, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết: “Chị và nhiều gia đình khác ở địa phương vươn lên thoát nghèo nhờ hai yếu tố. Một là, tính chủ động dám nghĩ, dám làm của mỗi hộ gia đình. Hai là, sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và Công ty 74, Binh đoàn 15”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình chị Rơ Lan H’Blơn và bà con trong làng Đo thường xuyên được cán bộ địa phương và Công ty 74 tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây điều, cao su, cà phê. Nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ vốn, nông cụ, phân bón để phát triển sản xuất.
Những năm trước, gia đình chị Rơ Châm H’Yớ, ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh là hộ nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và không áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến vườn cây cằn cỗi, năng suất thấp, thu không đủ chi. Năm 2016, gia đình chị Rơ Châm H’Yớ được huyện Chư Păh cho vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng tái canh cây cà phê và xen cây ăn quả, như: sầu riêng, mít thái, bơ ghép… Đến nay, gia đình chị Rơ châm H Yớ đã thoát nghèo, thu nhập 120 triệu đồng/năm.
Khảo sát thực tế tại xã Ia O, huyện Ia Grai, chúng tôi được biết, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn rất cao. Để nâng cao đời sống cho bà con, ông Siu Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai nói: Cần tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại trợ cấp của chính quyền; lối canh tác manh mún, phụ thuộc vào tự nhiên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác cần có chính sách ổn định đầu ra sản phẩm cho cho bà con.
Trao đổi với đồng chí Trần Đình Hiệp - Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, chúng tôi được biết: Để đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo xuống dưới 7% và hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống dưới 15,2% vào năm 2020. Tỉnh huy động toàn xã hội vào cuộc với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tỉnh giao kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương, mỗi cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở được phân công phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn, bon, làng. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí chủ yếu đánh giá cán bộ, công chức và xếp loại thi đua khen thưởng tập thể, cá nhân hằng năm. Xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo, đặc biệt là các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, vận động doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ an sinh xã hội”; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”…
Sơn Tùng