Bác Tiến và lực lượng quân đội đi mở đường băng cản lửa.

Sau khi ngọn lửa thiêu rụi hàng chục ha rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được dập tắt, có rất nhiều tấm gương tham gia dập lửa cứu rừng được báo chí ca ngợi như những người anh hùng. Trong số đó có CCB Đậu Văn Tiến ở thôn 8 xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, người đã dùng cưa máy của gia đình để cưa gốc cây, kịp thời mở đường băng cản lửa cứu lấy rừng thông nhiều năm tuổi và bảo vệ an toàn khu dân cư.

Cuộc điện thoại lúc giữa trưa

Tôi đi cùng các đồng chí trong Thường trực Hội CCB huyện Nghi Xuân và xã Xuân Phổ đến thăm và động viên ông Tiến sau những ngày vất vả căng mình tham gia cứu rừng phòng hộ. Dáng người thấp, đậm, nước da sạm nắng, cố gắng tiếp chuyện chúng tôi nhưng giọng nói vẫn còn chút mệt mỏi: “các bác thông cảm, tưởng xong công việc về nhà nghỉ ngơi cho lại sức, ai dè báo chí họ quấy rầy chú " nhiều quá. Sáng nay phải đi với truyền hình trở lại nơi cháy rừng, cả ngày chuông điện thoại đổ liên hồi, nhiều nhà báo ở xa cần thông tin kịp thời...

Câu chuyện của CCB Đậu Văn Tiến được bắt đầu từ một cuộc điện thoại giữa trưa ngày 28 tháng 6, ông Tiến kể lại: "tôi đang nghỉ trưa ở nhà thì bất ngờ điện thoại đổ chuông, không có tên người gọi nhưng tôi vẫn nghe, đầu dây bên kia giọng nói gấp gáp: số máy bác Tiến phải không ạ, nhờ bác mang cưa máy lên giúp huyện cứu rừng Hồng Lĩnh đang bị cháy lớn bác ạ, bác đi ngay nhé, đi ngay nhé..." người gọi trước khi buông máy còn kịp dặn tôi “bác đi lên Cầu vượt Bến Thuỷ, rẽ về hướng đường tránh ...". Tôi bật dậy như lò xo, khoác vội bộ quần áo lính, đội mũ bảo hiểm, xách cưa máy và túi đựng đồ nghề lên xe nổ máy, chỉ kịp ngoái lại dặn vợ "bố đi chữa cháy rừng...". Đoạn đường từ nhà tôi lên núi Hồng hơn 10 cây số, nắng như thiêu đốt nhưng tôi vẫn cố chạy nhanh hơn. Đến đầu thị trấn Xuân An đã nhìn thấy những cột khói cao ngút trời, đến gần nhìn thấy lửa cháy giữ dội. Có rất đông lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ và bà con nhân dân đang đứng dưới chân núi.

Bác Tiến với dụng cụ đi mở đường băng cản lửa.

Tôi để xe máy tại một nghĩa trang gần đó, theo anh em bộ đội, dân quân tự vệ chạy nhanh lên núi. Có một người cán bộ dặn tôi nhiệm vụ chính của bác là cưa đốn cây để mở đường băng cản lửa, việc thu dọn đã có lực lượng đi phía sau. Đèo, dốc, có nơi nhìn rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi nhanh chóng vượt qua. Khi đến vị trí cách hàng rào lửa khoảng 50 mét, chúng tôi bắt đầu lao vào công việc.

Chân dung Bác Đậu Văn Tiến.

Cuộc chiến với giặc lửa

Tôi dùng cưa máy cưa đổ cây, các chú bộ đội đi phía sau thu dọn, một bộ phận dùng máy thổi làm sạch thực bì, đốn đến đâu lực lượng phía sau có nhiệm vụ làm sạch đến đó, tất cả diễn ra rất nhanh. Tôi và máy hoạt dộng không ngừng nghỉ, lúc bên phải, khi bên trái, lúc ở giữa, dần tạo ra một hành lang chia khoảng cách phòng cháy, công việc đối đầu với ngọn lửa hung dữ đang ào ào phía trước. Khi đã thấm mệt thì trời cũng vừa tối, ăn vội chiếc bánh mỳ, uống chai nước, chúng tôi tiếp tục cuộc chiến đấu với giặc lửa. Do đêm tối, chưa có kinh nghiệm, tôi phải dùng bằng ánh đèn treo trên đầu, hợp đồng hiệu lệnh với người chỉ huy bộ đội là: lúc nào thấy tôi dơ tay về bên trái, hay bên phải đèn thì cây sẽ đổ về hướng bên đó, nhằm để bộ đội phía sau thu dọn an toàn. Đến khuy thì ngọn lửa cơ bản được khống chế, các lực lượng tạm nghỉ, ăn vội suất cơm hộp với bộ đội, tôi mệt quá ngủ lúc nào không biết, rồi tất cả choàng tỉnh khi có tiếng hô hoán: lửa bùng phát trở lại… Lúc này, chúng tôi nhận được lệnh phải hành quân về phía Thị trấn Xuân An, nơi đám cháy đang đe doạ khu dân cư và trạm xăng dầu. Có tiếng của người chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng cứu hộ: nếu không thể cứu rừng thì chúng ta phải cứu bà con nhân dân trước. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải tạo ra một hành làng an toàn để bảo vệ khu dân cư và trạm xăng dầu. Máy cưa của tôi hoạt động hết công suất, nhiên liệu được các đồng chí bộ đội phía sau tiếp ứng. Đang trong lúc gay cấn thì người nhà tôi điện thoại bảo về gấp, em dâu đau ruột thừa cấp cứu. Biết vậy, có một cán bộ đến động viên tôi: Bác cứ yên tâm làm việc, ở nhà sẽ có người lo thay bác… Tôi lại lao vào trận chiến, cắt, cắt và cắt…chưa bao giờ thấy mình khoẻ và kiên cường đến như vậy, có thể vì ngọn lửa hung dữ ở phía trước đe doạ cả cánh rừng, và hàng trăm cán bộ chiến sỹ ở phía sau tiếp cho tôi động lực hăng hái; hành lang an toàn được tôi và anh em bộ đôi, dân quân tự vệ tạo ra nhanh như có thể, chẳng ai biêt mệt mỏi, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Trong một phút giải lao uống nước, có người nhìn thấy tôi mồ hôi như tắm, bộ quần áo cũ của một thời làm lính ướt sũng, lại bị máu chảy dưới chân; lúc đó tôi mới hay mình bị lưỡi cưa làm rách quần áo, chạm vào da thịt. Sau hơn 2 ngày quần quật cùng anh em bộ đội, tôi không nhớ mình đã cưa đổ bao nhiêu gốc thông, có những cây nhiều năm tuổi, xót xa lắm. Rất may cho tôi là lưỡi cưa không bị sự cố hư hỏng, nên tốc độ phát quang, tạo đường băng cản lửa nhờ thế mà nhanh hơn, kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu phòng cháy.

Vết thương trong khi chữa cháy rừng.

Sau khi những đốm lửa cuối cùng được dập tắt, các lực lượng tham gia rút xuống dưới chân núi, ai cũng thấm mệt nhưng gương mặt vẫn nở nụ cười, ôm nhau trong đầm đìa mồ hôi và nước mắt, nhiều người mừng quá họ khóc, khóc vì đã chiến thắng được giặc lửa, giữ được an toàn cho nhân dân, nhìn anh em lấm lem mày mặt, ôm nhau khóc thật cảm động. Nhiều nhà báo, đài truyền hình đến chổ tôi hỏi chuyện và phỏng vấn; ban đầu họ không hay biết, nhưng khi được cán bộ huyện Nghi Xuân giới thiệu, các nhà báo vây lấy tôi. Sau đó, các anh lãnh đạo ở huyện gặp tôi, khen ngợi tôi, cảm ơn tôi và có ý định bồi dưỡng cho tôi, nhưng tôi từ chối nhận tiền, tôi nói với các anh lãnh đạo việc làm đó là nghĩa vụ của người công dân, của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Một “lão ngư” đi cứu rừng.

Khi biết tin có một Cựu Chiến Binh tham gia cứu rừng như một người hùng, nghe nói ở tận xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, cách rất xa địa điểm núi Hồng càng làm tôi ngạc nhiên, và ngạc nhiên  hơn nữa khi biết được người dân ở xã Xuân Phổ chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản. Giải thích cho sự ngạc nhiên này, ông Tiến kể tiếp: Ông nhập ngũ vào bộ đội từ năm 1985, thuộc một đơn vị của Đoàn 968 Quân khu 4, chuyên làm nhiệm vụ bên nước bạn Lào, đến năm 1988 thi ông xuất ngũ, trở về địa phương xây dựng gia đình và theo anh em làm nghề truyền thống đánh bắt hải sản. Đến năm 2001, do cơ duyên có một đơn vị chuyên trồng cây chắn sóng, họ cần một người biết sử dụng cưa máy… và ông Tiến xin đầu quân. Ông lý giải vì sao ông dám nhận công việc này “những ngày ở đơn vị đóng quân bên nước bạn Lào, chúng tôi chuyên khai thác vật liệu làm doanh trại bộ đội, trong đơn vị có cưa máy nhưng ít người biết dùng, tôi cả gan xin nhận do tính tò mò, đam mê lẫn thích thú, được một vài đồng đội hướng dẫn nên tôi nhận thường xuyên làm công việc cưa xẻ. Về quê, tôi không hề có ý định làm nghề mộc, mãi đến khi có người cần sử dụng cưa máy tôi mới lại đi… hành nghề. Từ đó, tôi bắt đầu sắm cưa máy, giá cả lúc đó tôi không còn nhớ, nhưng cũng phải bán một con lợn chững 70 – 80kg mới mua được. Công việc của tôi càng ngày có nhiều người biết đến, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến thuê mướn, nhất là sau những ngày mưa bão, cây cối đổ nhiều. Nhờ thu nhập từ công việc này, gia đình tôi nuôi được 4 đứa con ăn học, hiện tại tôi vẫn còn vay mượn ngân hàng nhưng đã lo được cho 2 cháu đi du học ở nước ngoài.

-         Vậy trong những ngày đi làm nghề cưa xẻ, có sự cố nào làm anh nhớ nhất?

Ông Tiến trả lời: “làm nghề này rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập mà anh, chỉ cần sơ suất trong khi cắt là lưỡi cưa có thể gây hoạ. Vì vậy, đòi hỏi người sử dụng phải thành thạo, chuyên nghiệp và bình tĩnh xử lý khi có tình huống, cùng với đó là khi nhận cưa, cắt ở đâu thì tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra phương án xử lý an toàn. Tôi nhớ nhất là sau cơn bão số 9 năm 2017, cán bộ văn hoá ở huyện Nghi Xuân gọi tôi lên, đưa tôi ra tận khu lưu niệm Cụ Nguyễn Du, chỉ cho tôi thấy có 4 cây xà cừ nhiều năm tuổi đang có nguy cơ đỏ xuống ngôi nhà chính ở khu lưu niệm. Nhiệm vụ của tôi là làm sao để cắt bỏ phần ngọn, giải toả nỗi lo lắng của mọi người và đảm bảo an toàn cho khu lưu niệm đại thi hào. Chúng tôi làm cả ngày cả đêm, cất công cắt ra từng khúc nhỏ để đưa xuống thật an toàn, và cuối cùng thì tôi đã đóng góp được một phần nhỏ của mình là bảo đảm an toàn tuyệt đối khu nhà lưu niệm cụ Nguyễn Du và giữ được thân cây xà cừ nhiều năm tuổi…

Có thể, những công việc như vậy nên cán bộ ở huyện họ biết tôi, họ gọi tôi đi chữa cháy rừng, mở đường băng cản lửa… rất nhiều người vui đùa gán cho tôi biệt danh “lão ngư đi cứu rừng”.

Các đồng chí trong Thường trực hội CCB xã, huyện đến thăm động viên CCB Đậu Văn Tiến.

Tôi chỉ là một Cựu Chiến Binh

Ông Đậu Văn Tiến là hội viên CCB sinh hoạt ở Chi hội 8, thuộc hội CCB xã Xuân Phổ. Theo ông Nguyễn Trọng Hiền, Chi hội trưởng và ông Hoàng Văn Mạo Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Phổ cho biết thì hội viên Đậu Văn Tiến là một CCB gương mẫu, tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp cho hội. Dù đi làm xa nhưng các dịp sơ kết, tổng kết hay hội họp quan trọng là ông Tiến đêu có mặt. Gia đình ông tuy còn khó khăn, nuôi 4 người con ăn học, nhưng vợ chồng lại rất hăng hái tham gia trong các phong trào gây quỹ từ thiện, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt, ông đã giúp Chi hội và bà con nhân dân trong xóm đóng góp tiền, vật liệu xây dựng nông thôn mới, ủng hộ Chi hội mua giống cây trồng thực hiện phong trào xanh, sạch, đẹp; đi tham quan du lịch, về lại chiến trường xưa...

Khi được hỏi về người chồng của mình, chị Trần Thị Phương vẫn tỏ ra e ngại: Ông ây đi suốt, ai gọi là đi, chẳng kể đêm ngày, thời tiết mưa hay nắng. Trời phú cho ông ây sức khoẻ, làm quần quật suốt ngày không nghỉ, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, nhờ ông làm nhưng ông không lấy tiền…

Nhớ lại giây phút đi tham gia cứu rừng Hồng Lĩnh, chị Phương cho biết: Tôi chỉ lo ông ấy không dủ sức để chống cự, kinh nghiệm từng trải nhiều nên khi thấy chồng đi vội vàng nhưng tôi vẫn chuẩn bị được một ít chanh bỏ vào túi ông ấy, nhờ đó khi đứng gần lửa, háo nước mà ngậm chanh là đỡ khát. Khi về đến nhà, thấy quần áo của chồng rách nát, tôi mới biết là ông bị lưỡi cưa làm rách đùi, may vẫn còn nhẹ…

Trước khi cùng các đồng chí trong hội CCB đến nhà gặp ông Tiến, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với ông Phan Tấn Linh - Bí thư huyện uỷ và ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết: “khi nhận được tin cháy rừng Hồng Lĩnh, chúng tôi đã hội ý nhanh để đưa ra nhưng biện pháp cấp bách phòng, chống cháy, trong đó có việc mở đường băng cản lửa; để mở được đường băng cản lửa cần huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, nhưng cái cần nhất là những người biết sử dụng cưa máy. Anh em văn phòng điện thoại nhờ Bác Tiến và bác ấy sẵn sàng có mặt kịp thời. Sau khi lửa được dập tắt, các lực lượng tham gia cứu rừng xuống dưới chân núi, chúng tôi đến chổ bác Tiến để nói lời cảm ơn, cho anh em cơ quan đưa tiền bồi dưỡng nhưng Bác kiên quyết không nhận. Bác bảo là công dân trong huyện phải có nhiệm vụ đi cứu rừng, rồi bác ấy cho biết bác là hội viên CCB ở xã Xuân Phổ”.

Cả 2 đồng chí lãnh đạo đều nhấn mạnh: “Chúng tôi thật cảm kích, ghi nhận và khâm phục việc làm của bác Tiến, một người lính Cụ Hồ, hội viên CCB Việt Nam, việc làm của bác Tiến sẽ được huyện vinh danh để nhiều người biết và học tập…”

Lê Anh Thi