Ngày mới vào mặt trận, chưa mấy ai "để ý" đến Kim nhiều. Thậm chí, có người còn mặc cảm: Trắng trẻo, đẹp trai, hai hai tuổi đã làm đại đội trưởng, "thư sinh" này sẽ "nhuộm khói lửa" thế nào đây?" … Nhưng rồi, từng trận, từng trận, phong cách chỉ huy và tinh thần chiến đấu ngoan cường của Kim đã dần dần cảm hóa được đồng đội.
Bắt đầu là trận đánh mở đầu chiến dịch Đông Xuân 1969-1970, tiến công vào một điểm cao của địch ở vòng ngoài: Trận Đồi Xanh. Nói là "vòng ngoài", nhưng là “con mắt”, là cửa ngõ của các cụm cứ điểm bên trong và Trung tâm chỉ huy hành quân của địch ở Xiêng Khoảng và nếu "nhổ" được nó, thì đó lại trở thành bàn đạp tiến công cho cả chiến dịch của ta, do vậy, Đồi Xanh được địch bố phòng cẩn mật, có hệ thống công sự bê tông vững chắc, nối với nhiều tuyến hào, nhiều tầng hỏa lực mạnh; thoải xuống chân đồi, là các bãi mìn, các hàng rào thép gai và chằng chịt dây chuông báo động… Đại đội 1 trung đoàn 165 của Kim và một đại đội nữa được giao nhiệm vụ tiêu diệt địch ở đây. Đang trong quá trình tiền nhập, thì hướng đại đội bạn để lộ, địch choàng khỏi giấc ngủ, la hét nhau ra vị trí chiến đấu. May mà tiểu đội mũi nhọn của đại đội Kim, do anh trực tiếp chỉ huy, đã áp sát được tuyến hào đầu tiên của chúng. Làm sao bây giờ? Hầu hết lực lượng của cả hai đại đội còn chưa qua được dải chướng ngại, nếu để địch kịp dàn đội hình, trút hỏa lực xuống, thì không những trận đánh thất bại, mà ta sẽ thương vong lớn! Nghĩ vậy, không chờ lệnh nổ súng, Kim quyết định đánh áp đảo địch. Anh chỉ hướng cho hai tổ đánh vòng theo đường hào sang hai bên, còn Kim dẫn một tổ chọc thẳng lên đồn giặc, tất cả cùng vừa lướt nhanh, vừa tung thủ pháo, lựu đạn vào các hầm hào, ụ súng của chúng. Địch choáng váng, chúi đầu vào các công sự tránh đạn… Chính những giây phút đó, bộ đội ta tràn lên, đảo ngược thế cờ…
Sang trận Bản Na, ý chí tiến công dũng mãnh của Kim càng được phát huy cao hơn. Theo hiệp đồng, khi tiếng nổ của chùm bộc phá mở cửa dứt, Kim cho ngay tiểu đội mũi nhọn xông lên. Song hàng quân đang tiến nhanh, bỗng chững lại? Kim vọt tới đầu đội hình: Thì ra bộc phá chưa quét sạch hàng rào thép gai. Theo "bài bản", có thể cho bộ đội lùi lại, đưa bộc phá lên đánh tiếp, nhưng như thế sẽ mất yếu tố bất ngờ, mà anh em lui về sẽ đúng tầm cối tay và lựu đạn của địch, càng khó tránh thương vong. Nghĩ vậy, Kim trườn đến bên lớp rào còn sót, dùng toàn thân đè nó xuống, miệng hô lớn: "Xung phong"… Đợi người chiến sĩ cuối cùng lọt qua được cửa mở, Kim mới chồm dậy, vẫy một tổ ba người, phóng thẳng về phía hầm chỉ huy địch - nơi mà qua nhiều lần trinh sát, anh đã xác định rõ, rồi trở về đắp thành sa bàn luyện tập trước khi vào trận. Tiếp cận gần tới khu hầm, Kim chỉ mục tiêu cho B40 trùm lên "đầu" nó một quả, rồi anh mới ào đến, nhét vào miệng hầm trái thủ pháo 5 lạng…
Những mặc cảm sai của đồng đội về Kim đã được xóa hết từ trận Đồi Xanh, lòng yêu mến, tin tưởng đã tăng dần theo những hành động mưu trí, quả c ảm của người chỉ huy trẻ. Cho đến trận toàn Trung đoàn 165 đồng loạt tiến công vào cụm cao điểm Phu Tâng, thì mọi người như không thể kìm được nữa, như cùng thốt lên tự trong đáy lòng mình cái tên "Đại đội trưởng gió lốc" để phong tặng, để gọi Kim với tình cảm sung sướng, thán phục… Trận này, trước khi xuất quân, trung đoàn có làm lễ trao cờ "Quyết chiến Quyết thắng" - Lá cờ Bác Hồ tặng đơn vị trong chiến dịch Điện Biên năm xưa, cho từng đại đội. Đại đội 1 chủ công của Kim được giao nhiệm vụ đánh lên điểm 2 của Phu Tâng. Anh đi với tiểu đội mũi nhọn, trong đó có tổ cắm cờ ở đầu hàng quân. Theo đúng hiệp đồng, sau khi pháo ta vùi điểm cao trong biển lửa, Kim cho phất cờ xung phong ngay. Nhưng do trận địa địch ở trên cao, có hầm hào bê tông vững chắc, nên pháo dứt, chúng lại nhô ra, bắn trả quyết liệt. Mới tiến tới lưng dốc, Ngát và Quy - hai chiến sĩ cắm cờ của đại đội Kim, đã hi sinh. Anh cũng bị thêm hai vết thương ở đùi và tay trái. Song cũng như mấy trận trước, Kim giấu anh em, tiếp tục chiến đấu. Anh đập vai tiểu đội trưởng Nhi, chỉ vào ổ súng 12 ly đang quét đạn ràn rạt vào sườn đội hình đại đội, rồi bò đến bên Quy lấy cờ, ôm chặt vào lòng. Nhi hiểu ý, tìm đường tiếp cận và phóng dồn hai quả B41 vào ụ súng 12 ly 8; cùng lúc đó, Kim gằn giọng: "Tiểu đội mũi nhọn… theo tôi!... "Câu nói chưa dứt, Kim đã lao vụt lên phía trước, khoảnh khắc sau, ngọn cờ trong tay anh đã bay phần phật trên nóc hầm chỉ huy trên điểm cao 2. Lá cờ có sức cổ vũ thật lớn! Bộ đội ta - từ tất cả các hướng, hò reo, ào ạt xông lên, tiêu diệt hoàn toàn quân địch… Chiến thắng Phu Tâng (19-12-1971) đã làm các căn cứ địch còn lại trên Cánh Đồng Chum tan rã. Thừa thắng, quân ta đánh tràn vào sào huyệt của bọn phỉ Vàng Pao, giải phóng suốt từ Xiêng Khoảng đến tận Xảm Thoông - Loong Chẹng… Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, Sư đoàn 312 được lệnh hành quân gấp về mặt trận Quảng Trị; cũng dịp đó, báo Quân đội nhân dân đăng một phóng sự dài, "kéo" suốt từ trang 1 đến gần hết trang 2, với dòng tít lớn: "Nguyễn Như Kim - Đại đội trưởng gió lốc"; các số báo tiếp theo là các bài bình luận, nêu gương, phát động toàn quân học tập tác phong chỉ huy chiến đấu của anh. Chúng tôi vội tìm đến Kim chia vui, thì Anh - do bị thương nhiều lần, đã phải về hậu phương điều trị!...
Bẵng đi từ ấy, hôm mới rồi, tình cờ lại gặp Kim - vai mang cấp hàm thượng tá, trên đường phố Hà Nội, tôi mừng rỡ, ôm choàng lấy anh:
- "Gió lốc… gió lốc"… Mấy chục năm bặt tin… Cậu đi đâu, hả?
Kim còn mừng hơn tôi, tíu tít:
-
À … Điều trị xong, trên không cho trở lại sư đoàn cũ, mà "bắt" vào Học viện hậu cần. Mãn khóa, thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, mình "đành" cầm quyết định vào một đơn vị bảo đảm tuyến xăng dầu ở miền Trung…
-
Cậu bị nhiều vết thương lắm kia mà?
-
Đúng! Chân, tay, lưng, đầu, có cả! Một mảnh đạn còn nằm trong đùi đây này. May mà toàn bị thương ở phần mềm, cũng có thể công việc bạn rộn, cuốn át đi, chứ mình vẫn thấy khỏe…
-
Ờ … Mà sao hôm nay cậu lại rời quê hương Thanh Hóa có mặt ở Thủ đô?
-
Thì về họp truyền thống ngành xăng dầu toàn quân mà. Về hưu nhưng vẫn bận lắm! Hết lo giúp nhau xóa đói giảm nghèo, lại lo làm sao phát huy được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong các phong trào cách mạng ở địa phương!...
Tôi xiết chặt tay Kim! Biết "lo" là quý rồi! Tôi tin: Thời chiến tranh, Kim như thế, nhất định trên trận tuyến mới, anh sẽ đạt được nhiều thành công hơn.
Bài và ảnh:
Nguyễn Phúc ấm