Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 14-5, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”.

Các đồng chí: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban tổ chức hội thảo; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban tổ chức hội thảo; Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông; Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó chính ủy Quân khu 5; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự chủ trì hội thảo.

Tham gia hội thảo có đông đảo đại biểu các cơ quan Trung ương, đại diện cơ quan Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học, các tướng lĩnh, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, công tác trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: Trong suốt 16 năm (1959-1975), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương luôn nêu cao quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù; tổ chức, xây dựng, bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược, vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban tổ chức hội thảo trình bày, cũng như gần 80 báo cáo tham luận của các đại biểu, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh quân đội, các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử trình bày và gửi đến hội thảo đã tập trung làm rõ những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh: Sự gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân vì mục tiêu độc lập, tự do và thống nhất đất nước; luận giải các phương thức vận tải chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, vai trò của tuyến chi viện chiến lược này trong mối quan hệ giữa cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nội dung các tham luận nêu rõ: Cách đây tròn 60 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam, tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh từng bước được hình thành, góp phần hiện thực hóa quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân và dân hai miền Nam - Bắc. Hệ thống đường giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược, mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Nơi đây hội tụ sức mạnh, niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc; đồng thời; là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”.

Hội thảo cũng tập trung phân tích và khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thể hiện qua quyết định mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; đi sâu luận giải những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân mà biểu hiện tập trung chính là quyết tâm, sự hy sinh phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả hai miền Nam - Bắc cho mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc...

TIẾN DŨNG - BÌNH ĐỊNH