*Người dân treo băng-rôn tố công ty Modern Tech lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng.
*
Được biết, Modern Tech gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính, thực hiện một dự án huy động vốn mang tên Ifan đến từ Singapore và Pincoin đến từ Ấn Độ. Thời gian qua, Modern Tech đã tổ chức hàng loạt “Hội nghị khách hàng toàn quốc” tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền VNĐ mua đồng tiền ảo Ifan (giống như một loại cổ phiếu có giá trị), nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Modern Tech cam kết khi tham gia, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Những người tham gia không có bất kỳ sự xác lập nào bằng văn bản; các cam kết mà công ty đưa ra cũng đều không có văn bản chính thức nào. Nó chỉ xuất phát từ những sự kiện, những thông tin truyền miệng hoặc không được kiểm chứng từ Internet. Các đối tượng đã lợi dụng xu thế về công nghệ 4.0 cũng như sự mơ hồ, lòng tin, lòng tham và tâm lý đám đông để kéo người chơi vào bẫy.Nhà nước Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo.

Theo tố cáo của người dân thì bằng cách trên, Modern Tech đã dụ dỗ được hơn 32.000 nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các nhà đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào, hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan.

Theo nhiều chuyên gia, cung cách “làm ăn” của Modern Tech vừa mang dáng dấp của mô hình kinh doanh đa cấp, vừa có yếu tố tiền ảo (tiền kỹ thuật số). Trong khi ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa công nhận tiền ảo là một loại tài sản và đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân về tính hợp pháp của loại tiền này. Còn dưới góc độ quản lí nhà nước, theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), vụ việc này thực chất là lừa đảo qua mạng, do đó thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an (chứ không phải của Bộ Công Thương). Trong khi đó, cơ quan chức năng Bộ Công an lại cho rằng, cơ quan này chỉ “vào việc” khi có đơn khiếu nại chính thức của nạn nhân.

Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, rất khó để có thể xác định rành rọt đây là trách nhiệm của bộ, ngành nào, bởi trên thực tế, một doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chịu sự điều chỉnh, quản lý của rất nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ UBND đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra... Luật sư Tú cũng cho rằng, trên góc độ dân sự, những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền của mình thông qua khởi kiện tại Toà án yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 (BLDS 2015). Tuy nhiên, thực tế sẽ khó xử lý khi mà hai bên đều “lách luật”, không đưa việc đầu tư tiền ảo vào hợp đồng. Lúc này, có thể kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng theo hợp đồng hai bên đã thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, với hàng nghìn nạn nhân như trong vụ Modern Tech thì việc đòi lại tiền đã góp sẽ rất khó khăn.

Rõ ràng, chỉ cần một người bình thường - nếu không vì quá ham lợi có thể dễ dàng nhận ra cái bẫy phía sau các hình thức huy động này, bởi đối tượng (trong trường hợp này là công ty Modern Tech) không được cấp phép trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới các loại tiền ảo, vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Người dân không nên tham gia theo tâm lý bầy đàn vào việc kinh doanh tiền ảo, đi trên con đường mà pháp luật chưa cho phép, để rồi rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” như trong vụ Modern Tech.

Đức Bình