**TRẦN ĐĂNG KHOA:
**
Trước hết, xin cảm ơn sự ưu ái của bạn. Thực tình, tôi chẳng có quan niệm gì cả. Tôi nhớ có lần, nhà thơ cựu chiến binh Phạm Tiến Duật nói vui rằng: “Anh có một cái mũi khác người. Mà ngắm kỹ, quả cái mũi của anh cũng khác người thật. Trông nó khoằm khoằm như mỏ một con quạ. Bởi thế khi viết văn, anh cứ phải dí cái mũi của mình xuống trang giấy, để rồi bạn đọc có thể qua dấu vết của cái mũi ấy, mà nhận ra anh”.

Đấy là cách nói theo kiểu hình tượng. Nghĩa là người viết phải có một phong cách riêng không lẫn với ai. Nói theo cách nói của anh Duật là tôi có cái mũi khoằm.

Rất tiếc là tôi chẳng có cái mũi khoằm, mà cũng chẳng có cái mũi tẹt nào để dí xuống trang giấy cho bạn đọc nhận ra mình. Tôi nghĩ mình cứ sống đúng như mình có và viết đúng như mình nghĩ thì sẽ chẳng giống ai.

Đối với một nhà văn, tôi nghĩ, không nên sống lập dị, nghĩa là mình cứ sống như mọi người, có thể lẫn vào cả một biển người, nhưng viết thì - nói như cánh trẻ - lại phải thật quái dị, hiểu theo cái nghĩa là không giống với ai cả.

Buồn nhất với người viết là mình soi gương, ngắm mặt mình lại đưa tay lên chào, vì cứ tưởng ông hàng xóm nào đó vừa mới sang chơi...

Nhưng cũng phải nói thêm mình viết không giống ai, nhưng cái không giống ấy phải phấn đấu để ai cũng thích đọc. Đọc xong họ chiêm nghiệm chứ không phải để họ chửi mình, thì mỗi người viết lại phải hết sức phấn đấu. Tôi cho rằng phải phấn đấu cả đời để có một kiến thức càng cao càng tốt, càng toàn diện càng tốt, rồi cột chặt mình vào (đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng) hồn cốt của dân tộc mình xong mới viết- giống như cái diều ấy, bay được là nhờ dây diều và cọc diều giữ nó.

Tôi trộm nghĩ thế bạn thấy có đúng không? - Mong nhận được thư của bạn.

Trần Đăng Khoa