Qua thời gian với bao thăng trầm của lịch sử, giờ đây di tích xưa chỉ còn là phế tích.
Đền thờ bảy vua Trần, hai hoàng hậu…
Theo các tài liệu “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”… cùng các di khảo cổ học ở địa phương, vào thế kỷ VI, làng Thâm Động là căn cứ chống giặc Lương của Lý Nam Đế. Những năm sau đó, làng Thâm Động được các vua Trần chọn để xây dựng các hành cung Lỗ Giang, An Lăng, Kiến Xương...
Hành cung Lỗ Giang và An Lăng nằm ở phía nam, cách khu lăng mộ vua Trần ở Tiến Đức, Hưng Hà khoảng 6km, chạy dài gần 1km từ đầu thôn Thâm Động (giáp thôn Đồng Lôi) vượt ra ngoài đê sông Hồng, tới cánh đồng phía bắc làng Thâm Động. Trải qua gần 800 năm, khu hành cung đền thờ Thâm Động được sách sử ghi chép bằng nhiều tên gọi khác nhau. Triều đình nhà Trần đã cho dựng miếu thờ bốn vị vua: Trần Hiến Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông và là nơi trang niệm thờ ba vị tiên đế là Thái tổ Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông. Vì thế, nhân dân vẫn quen gọi là đền thờ bảy vua Trần.
Theo nhiều tài liệu thì công trình xây dựng cung Kiến Xương và cung Thái Lăng được làm trong 6 tháng và là một khu lăng tẩm bề thế, nguy nga. Năm 1332, Bảo Thánh Thuận Từ Hoàng Thái hậu mất, vua Trần Minh Tông đưa về an táng tại Thái Lăng.
Trước Cách mạng tháng Tám, đền thờ bảy vị vua Trần vẫn to lớn, lộng lẫy, toạ lạc trên bình diện rộng gần 5.000m2 với đủ tắc môn, hoành mã cùng các trụ biểu chất ngất. Quốc Miếu gồm ba cung, ba tòa, mười ba gian, hai bên có nhà tả vu, hữu vu, mái đắp long phượng, đao đầu rồng, các vì kèo chạm tứ linh, tứ quý, bên trong đầy đủ bảy ban thờ với đồ tam sự, thất sự, trước ban có giá bát xà mâu, hai bên cắm cờ ngũ hành, đồ chấp kích... Trên các cột, xà treo kín cuốn thư, đại tự, câu đối sơn then khảm trai hoặc sơn son thếp vàng. Đây là một trong những ngôi đình đẹp nhất tỉnh Thái Bình.
Đền xưa dấu cũ… và mong ước của người dân
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ năm 1407 đến năm 1428 giặc Minh đã nhiều lần đem quân tới Long Hưng tàn phá các di tích lịch sử, lăng mộ... Năm 1952, thực dân Pháp chiếm tỉnh Thái Bình, chúng tàn phá, hủy diệt toàn bộ khu lăng tẩm nhà Trần ở làng Thâm Động, xã Hồng Minh. Hiện nay khu di tích đền thờ bảy vua Trần chỉ còn lại ngôi miếu cổ và một ngôi đền nhỏ thờ bảy vị vua Trần (mới được nhân dân địa phương xây dựng những năm gần đây). Cả khu lăng tẩm rộng bao la trước đây nay biến thành vườn cây, ruộng lúa, với nhiều đống gạch ngói, đất đá... Những năm trước, có các đoàn khảo cổ, nghiên cứu lịch sử ở T.Ư và địa phương về khảo sát, khai quật để tìm hiểu khu lăng tẩm An Lăng, Kiến Xương ở làng Thâm Động và phát hiện được rất nhiều gạch cổ, ngói đầu rồng thời Trần…
Quần thể di tích lịch sử thờ bảy vị vua Trần cùng hai hoàng hậu đã tồn tại gần 800 năm đang rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và khôi phục cho xứng đáng với tầm vóc của những người đã từng làm rạng rỡ non sông Đại Việt. Hy vọng trong tương lai, khu di tích sẽ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng lòng mong mỏi và tâm nguyện về sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương cũng như nhân dân trong cả nước.
Bài và ảnh: Đặng Đình Hùng