Trở lại Cao Bằng, Người quyết định rời xuống Tuyên Quang, đặt căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước tại Tân Trào (huyện Sơn Dương). Cùng đi còn có 2 báo vụ viên người Mỹ gốc Trung Quốc, theo thỏa thuận với tướng Xê Nôn, hồi đầu tháng 5-1945.

Về Tân Trào được 2 tháng, đầu tháng 7 Người ốm nặng, nằm ở lán Nà Lừa. Đồng chí Văn (chỉ đồng chí Võ Nguyên Giáp) đã giao cho Nguyễn Việt Cường, y tá của Việt Nam Giải phóng quân, trước đã học ở trường y tá thực hành Bắc Kỳ ở Hải Dương điều trị cho Bác.

Y tá Cường mang theo “túi thuốc” theo đồng chí Văn lên thăm bệnh, điều trị cho Bác; gọi là túi thuốc nhưng chỉ có ít thuốc mạo cảm, 2 ống bơm tiêm, thật quá nghèo nàn. Bác mệt lắm, hai mắt nhắm nghiền, tay chân duỗi thẳng, thở dồn dập, nằm trên tấm bạt cũ rải trên sàn lán. Y tá Cường cầm tay tìm mạch, mạch đập loạn nhịp; da dẻ tái xanh tái mét. Anh Cường rất lo không biết được khả năng chữa bệnh cho Người hay không vì theo nguyên tắc đã được học, y tá không được ra chỉ lệnh chữa bệnh cho người bệnh, song đây là ngoại lệ, và lại do đồng chí Văn gọi đi. Y tá Cường đã xin ý kiến đồng chí Văn cho phép tiêm 2 ống “Huile Camphree” (dầu long não) trộn với một ống Ether (Ê te), tiêm vào đùi của Bác. Nếu tiêm loại thuốc này cho người khác, ai cũng kêu đau buốt, còn Bác thì không, vì Người quá mệt.

Khoảng 10 phút sau, thấy Bác trở mình, tay đập nhẹ xuồng sàn lán; Bác nói một câu tiếng Anh, hai mắt chớp chớp tỉnh và nói với đồng chí Văn:

“Ngày mai, họ (Mỹ) hẹn thả dù xuống 2 tấn hàng và người, phải huy động nhân dân đón, để họ nhận thấy lực lượng quần chúng của ta”. Rồi Bác nói tiếp:

“Dù phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng phải lấy lại quyền độc lập cho dân tộc”. Sau đó toàn thân của Bác mát dần.

Đúng như lời Bác dặn, ngày 16-7-1945, tóan tình báo của OSS Mỹ xuất phát từ Trung Quốc đã nhảy dù xuống Kim Lung, cách Tân Trào 20km. Toán “Con Nai” - mật danh của toán tình báo Mỹ vừa tiếp đất đã được Việt Minh đón tiếp trọng thể.

Cũng sáng 16-7-1945, y tá Cường lại đến lán Nà Lừa tiêm cho Bác. Lạ thay, Cường đã thấy Bác ngồi làm việc bên chiếc máy chữ, Bác hỏi Cường:

Hôm qua chú tiêm thuốc gì cho tôi mà “độc” thế? (ý nói rất hiệu nghiệm). Ngày hôm sau, Cường lại lên tiêm tiếp cho Bác để đủ liều cắt cơn, song bác không cho vì khỏi rồi. Cường báo cáo đồng chí Văn và cùng đồng chí Văn lên gặp Bác xin cho tiêm thêm một mũi nữa, Bác mới đồng ý.

Tròn một tháng sau đó, khi phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào sắp họp, Bác lại ốm nặng hơn, nhưng được một lão nông người Tày bản địa chữa khỏi. Bác chủ trì hai hội nghị lớn: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, chỉ 6 ngày sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Hà Nội. Chiều ngày 26-8-1945, Người vào làm việc ở số nhà 48 phố Hàng Ngang, chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ TƯ Đảng rồi bắt đầu soạn thảo một văn kiện lịch sử: “Bản Tuyên ngôn độc lập”, sẽ được đọc tại vườn hoa Ba Đình 65 năm về trước.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta suốt đời vì nước vì dân, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân từ tuổi thanh xuân, trải qua bao gian lao nguy hiểm, bị giam cầm, khi trở về Tổ quốc, tuổi cao sức yếu, bệnh nặng vẫn lo lắng về vận mệnh của dân tộc khi thời cơ đến nhưng vẫn đầy chông gai, vì độc lập của dân tộc - dù phải hy sinh - dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hùng vĩ - vẫn phải làm để giải phóng Tổ quốc, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Câu nói sâu sắc của Người có sức mạnh vô song, động viên toàn dân chiến đấu và đã toàn thắng. Người là một Anh hùng giải phóng dân tộc - một Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, xứng đáng là một Danh nhân văn hóa thế giới.

Hoàng Chinh