Dựa vào “trông trời”, quan sát băng mắt, nhìn trời lúc rạng động, nếu “ráng (mây) vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa”; sáng sơm ngủ dậy nhìn thấy đám mây đùn lên từ đằng Đông thì nhất thiết sắp mưa to, gió lớn. Ngược lại mây đùn lên đằng Tây thì ít xảy ra mưa, bão (Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng Tây vừa cày vừa ăn). Nếu mây tụ thành khối, mỏng, độ dày tăng dần, lan nhanh khắp bầu trời và bay là là thấp dần xuống, hoặc nhiều sắc màu cong lên, vắt ngang bầu trời (cầu vồng) ở hướng Tây, báo hiệu trời sắp có giông bão... (Mống bên Đông, cầu vồng bên Tây không mưa dây cũng bão dập)...
Quan sát các hoạt động của sinh vật, côn trùng để dự báo thời tiết cũng rất hiệu quả, thậm chí có độ chính xác tới hơn 90%. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những loài côn trùng sống thành bầy đàn rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Chúng thường tìm cách trốn, ẩn nấp mưa bão trước cả con người. Ví dụ, loài kiến đùn đất lên thành tổ cao, cõng trứng lấm tấm trắng trên lưng chạy hối hả (Kiến đắp thành thì bão/ Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa); hoặc ong không bay đi hút mật mà chỉ lấp ló ở cửa tổ, cụm nhau lại thành từng búi quanh tổ là chắc sẽ có giông bão. Nhất là loài chuồn chuồn, khi chúng bỗng dưng bay ra rất nhiều, bay thấp ở vùng nào thì vùng đó chỉ sau vài giờ là có mưa, giông (Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ Bay vừa thì râm).
Còn nhìn khóm tre thấy những cây măng mọc chui đầu vào giữa khóm; cây cỏ ống có ngấn ở đầu lá thì cũng sẽ sắp có bão xảy ra…
Ngư dân ven biển ngoài nhìn chớp chân trời (Con ơi nhớ lấy câu này/ Đông Nam có chớp nhéo nhau, thấy sát mặt biển hôm sau bão về), còn quan sát qua con sứa để dự đoán bão. Khi thấy sứa biển bơi dạt vào bờ từng đám một khác thường, đấy là báo hiệu những trận bão ở ngoài khơi cách hàng ngàn km.
Ngày nay dự báo bão dựa chủ yếu vào các trạm quan trắc và đài thiên văn. Nhưng thực tế cho thấy không phải lúc nào cung chính xác. Đó là chưa nói đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa không phải theo dõi được thường xuyên dự báo bão trên các phương tiện truyền thông. Chính vì thế việc phổ biến, truyền đạt lại những kinh nghiệm dân gian đã được đúc kết qua hàng ngàn năm cho nhân dân là việc làm rất cần thiết.
Nguyễn Đông Thức