Khuất tất

Theo nội dung đơn thư, cuối năm 2008, khi mọi việc kinh doanh tại khu chợ truyền thống này đang diễn ra bình thường thì người dân tá hóa khi phát hiện thông tin toàn bộ gần 5.500m2 đất chợ sẽ được thu hồi để dành cho một công ty khác thuê và xây dựng thành chợ - văn phòng và trung tâm thương mại. Nơi kiếm cơm của 500 hộ gia đình đang kinh doanh ở đây bỗng chốc đứng trước nguy cơ bị chuyển qua doanh nghiệp khác để biến họ thành người đi thuê lại chỗ trong khi trước đó họ không hề được biết gì về việc này. Bà con càng bức xúc khi hơn ai hết họ hiểu rằng để có được khu chợ như ngày hôm nay, từ năm 1995, các hộ kinh doanh đã phải đóng góp 6,5 triệu đồng /hộ để cùng địa phương xây chợ. Quá trình triển khai dự án cũng bộc lộ nhiều khuất tất, khiến đơn thư khiếu nại gửi đi khắp nơi.

Thực tế, tháng 12/2008, UBND quận Cầu Giấy phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư Dự án xây dựng lại chợ này cho một doanh nghiệp trên địa bàn quận. Từ giữa năm 2009, khi chưa có quyết định thu hồi đất, bộ phận chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức chợ của quận Cầu Giấy và chủ đầu tư đã nhanh nhảu lập phương án bồi thường để chi trả cho dân. Điều này là trái với các quy định của pháp luật. Quá trình lập phương án bồi thường cũng có nhiều điểm bất bình thường, nhiều chữ ký mà Ban quản lý chợ và chủ đầu tư lập ra trong hồ sơ giải phóng mặt bằng được chính người dân phủ nhận không phải của họ.

Sai luật?

Đáng nói là, phải đến gần một năm kể từ khi UBND TP Hà Nội có quyết định 392 ngày 24-1-2011 thu hồi đất chợ Nghĩa Tân, tức là cuối năm 2011,các hộ kinh doanh mới được biết quyết định này. Tuy nhiên, xung quanh quyết định này có rất nhiều điều phải bàn.

Theo Quyết định 392, Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy được xây dựng công trình “Chợ- văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân cao từ 5- 9 tầng (không kể 2 tầng hầm và một tầng kỹ thuật). Nếu đối chiếu với quy định số 13 ngày 19-4 -2006 của Bộ Xây dựng ban hành TCXDVN 361 về tiêu chuẩn “chợ - tiêu chuẩn thiết kế”, thì việc cho phép chủ đầu tư xây dựng dự án trên đến 9 tầng là không đúng quy định của pháp luật bởi chợ Nghĩa Tân được chính TP Hà Nội xác định là chợ loại 2 và tiêu chuẩn chiều cao tối đa đối với chợ loại 2 là 3 tầng. Ngay trong quyết định 31 ngày 14-3-2007 của TP Hà Nội về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn TP Hà Nội thì việc chuyển đổi chợ Nghĩa Tân buộc phải tuân thủ TCXDVN 361 về xây dựng chợ.

Theo thông tin được biết thì từ năm 2010, tại một văn bản kết luận của quận Cầu Giấy liên quan chợ Nghĩa Tân, một trong những căn cứ cho phép chủ đầu tư xây dựng 9 tầng là có ý kiến đồng ý của một lãnh đạo Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ. Thế nhưng, hiển nhiên là dù ý kiến chỉ đạo của bất kỳ ai thì căn cứ để xem xét việc cho phép chủ đầu tư xây dựng lại chợ Nghĩa Tân cao bao nhiêu tầng cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật - trong trường hợp này là quy định về TCXDVN 361 và Quyết định số 31 của UBND TP Hà Nội .

Đặc biệt là, bản thân Quyết định 392 hiện đang được cho là hết hiệu lực nhưng vì sao quận Cầu Giấy vẫn căn cứ vào quyết định này để cho phép triển khai dự án?

Quyết định 392 quy định: “sau 6 tháng kể từ ngày 24-1-2011, tức ngày ký, Quyết định này sẽ hết hiệu lực nếu chủ đầu tư không liên hệ với UBND Quận Cầu Giấy để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho Ban quản lý chợ Nghĩa Tân; cho các tổ chức cá nhân đang kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân theo quy định của pháp luật; Lập phương án bố trí diện tích cho các hộ kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian xây dựng và lập phương án bố trí sắp xếp các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân (mới) khi công trình xây dựng xong, đảm bảo công bằng, dân chủ đúng pháp luật , báo cáo UBND quận Cầu Giấy phê duyệt di chuyển các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân hiện nay…”

Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng những điều khoản này, đến ngày 23/12/2011, tức là sau gần một năm các hộ dân cho biết mới nhận giấy mời họp của UBND phường Nghĩa Tân về giải phóng mặt bằng. Các hộ kinh doanh cho biết họ đã khởi kiện quyết định 392 của UBND TP Hà Nội ra tòa.

Lê Thanh