Nghe người dân nói Khi nhận được thông tin từ cổng làng cổ Đường Lâm tới khu vực chợ Mía có con đường bê tông hóa mới toanh - ước chừng chiều dài con đường khoảng hơn 700 mét. Chúng tôi sức xốc phi xe máy về tìm hiểu thực hư sự việc. Tới đầu làng đã râm ran bàn ra tán vào về việc xây dựng mới đoạn đường từ cổng làng vào tới đình làng Mông Phụ, vượt qua sân đình tiếp tục con đường bê tông hóa chạy xuyên giữa làng đến khu vực chợ Mía. Hỏi một số người dân, người thì nói rằng: Làm con đường mới này đi lại rất sạch sẽ, thuận lợi; người thì nói: Quả thực đây là “họa” cho một di tích cấp Quốc gia! Vốn dĩ người dân làng cổ Đường Lâm từ bao đời nay sống trong bình dị, khép mình trong làng cổ - lâu dần cũng thành quen. Cái mà được là tiếng tăm làng cổ vang xa, nhiều người biết đến – kể cả người nước ngoài. “Cuộc sống của chúng tôi chẳng có gì là cao sang. Nghề nghiệp chính vẫn là làm nông, chiếm tới hơn 80% người dân làm nông nghiệp. Nhưng cái được là có được những ngôi nhà cổ và nhiều di tích… Vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều hộ gia đình tham gia làm du lịch khiến cho người dân làng cổ cảm nhận cũng có hơi thở mới của cuộc sống. Thế nhưng trong cuộc sống ấy, người dân Đường Lâm luôn thể hiện sự bình dị, sống nội tâm mà khám phá mãi chắc không bao giờ khám phá hết - một người dân bộc bạch”. Tìm hiểu thêm, dù người dân Đường Lâm sống khép mình trong làng cổ thật, nhưng trong khuôn viên nhỏ nhoi ấy luôn hình thành một nhân cách, tính cách khá riêng của người dân nơi đây. “Họ không thích ai chạm vào họ và họ cũng chả bao giờ muốn chạm vào ai” khi ở trong làng. Thế nhưng khi ra ngoài họ cũng rất mạnh mẽ, xông pha... Bởi vậy quanh vùng Xứ Đoài này từng có câu: “…Mông Phụ Cụ của các làng” là thế! Một trong những con đường gạch cổ còn sót lại của làng cổ Đường Lâm ** Nghe chính quyền và cơ quan chuyên môn nói ** Đem sự việc về con đường bê tông hóa phản ánh tới chính quyền xã Đường Lâm, ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã rất “tù mù” về dự án làm mới con đường này. Ông cho biết: “Tôi mới lên làm chủ tịch được 4 đến 5 tháng nay. Sự việc làm mới con đường là do đường bê tông cũ trước đây nhân dân đóng góp làm từ hơn 10 năm về trước bị xuống cấp, bởi vậy phải làm mới cho nhân dân đi… Nghe đâu dự án làm con đường có từ năm 2008, nhưng vừa qua mới triển khai… Chúng tôi chỉ làm những gì tồn tại từ trước để lại. Hiện con đường làm xong cách đây được 10 đến 15 ngày và đang trong thời gian bảo dưỡng, chờ nghiệm thu”. Trước câu hỏi của phóng viên về việc làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, phải được bảo tồn, gìn giữ rất nghiêm ngặt… sao không làm con đường bằng gạch để phù hợp với nét cổ kính của làng cổ? Ông Hoằng phân tích: “Làm con đường gạch nó không ổn, làm con đường bê tông thì khi xe ô tô đi qua lại dễ dàng, không bị vỡ nát...; đây cũng là con đường liên thôn, liên xã nữa… Làm thế cũng là bảo tồn, khôi phục nguyên hiện trạng gốc”?! (trước đây con đường này cũng là đường bê tông do nhân dân làm từ những năm cuối thế kỷ 20 -PV). Khi được hỏi về bản vẽ thiết kế dự án thế nào, cấp nào phê duyệt, nguồn tiền từ đâu… Vị chủ tịch xã này chốt: “Chắc là có bản vẽ thiết kế… Tôi mới lên làm chủ tịch nên không rõ lắm về dự án. Cái này các anh lên hỏi thị xã…”. Vị này cũng cho hay: Mọi việc cấp trên quyết hết, chúng tôi là cấp địa phương chỉ thừa hưởng và tiếp nhận những gì sau khi đã hoàn thành… Trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây về việc có con đường bê tông mới làm ở làng cổ Đường Lâm, vị chủ tịch UBND thị xã nói: “Cái này do xã Đường Lâm làm chủ đầu tư… Dự án này nhỏ, chúng tôi không làm mà giao cho xã... Chúng tôi cũng nghe nói ở trên đó (xã Đường Lâm) có con đường như thế và… đã giao cho Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm kiểm tra, xem xét báo cáo đề xuất…”. Tuy nhiên, khi làm việc với Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, một vị cán bộ Ban cho biết: Sự việc này trước khi làm con đường, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với thị xã về vấn đề này, bởi làng cổ Đường Lâm đang chờ TP Hà Nội và cấp trên phê duyệt qui hoạch tổng thể về bảo tồn làng cổ. Dự án con đường chắc là của Ban QLDA thị xã đề xuất… Cái khó hiện nay do có sự chồng chéo các dự án trong làng cổ. Chúng tôi chỉ làm bảo tồn các di tích, còn làm hạ tầng cơ sở lại do các cơ quan chức năng của thị xã thực hiện… Được biết, TP Hà Nội sắp phê duyệt chính thức dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn làng cổ Đường Lâm trong đó không có hạng mục xây dựng đường bê tông. Một nhóm nhà khoa học, chuyên gia của Tổ chức JAICA Nhật Bản cũng đã vào nghiên cứu làm công tác bảo tồn 3 năm qua ở làng cổ Đường Lâm… Thế nhưng, thật buồn khi dạo quanh đình làng Mông Phụ, gặp một số người dân và du khách hỏi chuyện họ không khỏi tiếc nuối khi thấy chính quyền làm mới con đường bê tông rất kiên cố. Làng cổ sẽ bị lu mờ, mất đi cái vẻ cổ kính bởi sự “choáng ngợp” của con đường bê tông hóa trắng xóa đập vào mắt mỗi khi ai đó qua cổng làng vào thăm làng cổ! Hữu Doanh
Bài trước
Việt Nam lần đầu ghép tế bào gốc chữa bệnh nan y cho trẻ (27/10/2011)
27 Th10, 2011 - 07:00
Bài liên quan
Tỉnh Khánh Hòa: Áp dụng văn bản hết hiệu lực để ban hành quyết định hành chính?!
13 Th11, 2024 - 16:13
Đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lê Thái Nhiệm ở Nghệ An
31 Th10, 2024 - 09:50
Tỉnh Thái Nguyên: Đau lòng cặp vợ chồng CCB 18 năm ngủ ở chuồng trâu… trốn nhiễm điện
31 Th10, 2024 - 09:50
Loạn “ma trận” cơ sở giáo dục AMIS ở Hà Nội
31 Th10, 2024 - 09:41
Thân nhân gia đình liệt sĩ cần được tiếp tục hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ
31 Th10, 2024 - 09:37
Đề nghị phạt Công ty Bảo Lạc 400-600 triệu đồng
22 Th10, 2024 - 09:35
Tỉnh Bình Thuận: Cần làm rõ kiến nghị của công dân về khu mộ gia đình bị xâm phạm
22 Th10, 2024 - 09:34
Gia đình CCB Nguyễn Xuân Toan mong được hỗ trợ dựng lại nhà
10 Th10, 2024 - 14:16