Trong chuyến hành trình “Về nguồn Tháng 7” hành năm, do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức cho các phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương tại Đà Nẵng đến thăm viếng các Di tích lịch sử, NTLS, tham quan thăng cảnh trên chiến trường xưa Quảng Binh; Quảng Trị; Đắk Tô - Tân cảnh (Kon Tum)... Sau các tin, bài, phóng sự được đăng tải,  phát sóng trên các kênh Truyền thông đã giúp chúng tôi những đồng đội năm xưa gặp lại nhau mà trước đó khó có cách nào để tìm kiếm, liên lạc được.

     Ông Nghiêm Quốc Cư, nguyên Chính trị viên Đại đội 9, (D6, E95, F325) tuổi ngoài 70, nay chủ một trang trại Cao su, Cà phê và các loại hoa trái, tại tỉnh Kon Tum. Tôi tìm gặp, khi ông đang đu đưa trên chiếc võng (cũ) của người lính chiến trận năm xưa, tỏa khói thuốc Lào cùng chiếc điếu Cày quen thuộc mà ông gọi là “người bạn bất ly thân”. Chúng tôi, tay bắt, mặt mừng sau 46 năm gặp lại (1972 - 2018). Ông Cư nói: nhận biết em (tôi) trên truyền hình khi đang các phóng viên báo chí phỏng vấn  tại Thành Cổ Quảng Trị (tháng 7/2017). Sau đó, anh truy hỏi số điện thoại không được, chỉ còn cách nhờ đến người làm báo địa phương mới biết em là phóng viên báo Cựu chiến binh Việt Nam... Làm nghề báo được đi đây, đi đó nhiều nơi, em có gặp và biết các đồng đội cùng đơn vị chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị (1972) và chiến trận chọc thủng tuyến phòng thủ Xuân Lộc (4/1975) của địch - “ai còn ai mất”...

Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) và Nguyễn Văn Nam (cùng C9,D6, E95, F325).

Ông Cư vào nhà, mở tủ lục tìm hồi lâu, đưa ra tấm ảnh đen trắng “tôi và đồng đội Nguyễn Văn Nam” chụp chung và dặn, em cố gắng tìm Nam (chiến sĩ liên lạc đại đội), anh nhớ nó lắm?. Một điều lạ là, tấm ảnh tôi và Nam chụp chung tại Sài Gòn (tháng 4/1975), do một phóng viên nữ chụp, nhưng ông Cư lại có trong tay, tôi thì không lưu giữ được. Ông Cư kể: một phóng viên nữ đã đến tìm em 1 đến 2 lần để tặng, nhưng không gặp mới tìm đến Ban chỉ huy đại đội 9, anh nhận giúp. Thông qua phát sóng trên kênh Truyền hình chuyến hành trình “Về nguồn Tháng 7”, đồng đội Nam, quê Hải Hưng (bên phải trong ảnh) cùng nhận biết và sẽ đến thăm ông Cư trong thời gian gần nhất.

Ông Cư không cầm được nước mặt về những mẫu chuyện tôi kể. Trong các Chỉ huy đại đội và đồng đội thuộc đại đội 9 lúc đó, tôi mới tìm gặp được anh Nguyễn Văn Sinh (quê Nghệ an), nguyên Y tá đại đội, nay nghỉ hưu với cấp hàm Thượng tá. Anh Nguyễn Thanh Hải, Đại đội Phó (quê Hà Tĩnh), hy sinh trong trận đánh Xuân Lộc, Thị xã Long Khánh (4/1975) hiện hoàn cảnh gia đình thương tâm lắm. Anh Lực (quê Quỳnh lưu, Nghệ An) hy sinh trong trận đánh vào Thị xã Buôn Ma Thuộc (3/1975). Anh Lê Ngọc Viễn, Đại đội trưởng đại đội 9 (người giới thiệu tôi vào Đảng), đã nhiều lần đi tìm, dò hỏi nhưng không hay biết nơi đâu. Trong một lần, chúng tôi Hội Chiên sĩ Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng về thăm lại chiến trường xưa. Tôi và anh Nguyễn Bá Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 11, (D7, E95, F32) cùng đi về hướng Đông Nam trong Thành cổ, nơi đây “81 ngày đêm” đã xẩy ra chiến trận ác liệt giữa ta và địch, quyết tử, giành giật nhau từng mét giao thông hào, bờ tường đổ. Tôi, thời gian đó là chiến sĩ Đại đội 9 (D6, E95, F325) chiến đấu trên hướng An Tiêm, Tri Bưu, và trong Thành Cổ do Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn chỉ huy. Nhắc tên anh Viễn, ông Tùng nói: cùng cán bộ đại đội với nhau, Viễn là người Chỉ huy gan dạ, mưu trí dũng cảm và được đi báo thành tích trên trung đoàn, sư đoàn nhiều lần rồi đấy. Giọng ông Tùng chủng lại, Mùi ơi, ông Viễn hy sinh rồi, nơi chiến trường xa đất bạn Campuchia. Nhớ một lần, ông Tùng đi qua Nga 3 Ba Đồn, (Vĩnh Linh), ghé thăm Viễn đồng đội. Khi bước vào cổng, ông Tùng hỏi người phụ nữ và nghe trả lời: đúng rồi nhà ông Viễn đây, mời anh vào, ông đang ngồi trong nhà đó. Ông Tùng, chạy nhanh vào để gặp đồng đội, nhưng không thấy người đâu cả. Ông Tùng hỏi lại, người phụ nữ - là Vợ chỉ tay lên bàn Thờ, ông hy sinh bên Campuhia...

Trong trận Xuân Lộc, Long Khánh, ông Cư nói: nhớ và thương các chỉ huy, đồng đội cùng trong các trận chiến đấu “Thịt đọ với Sắt” trong 3 ngày đêm từ 17 đến đêm 19 /4/1975, quân ta chiến đấu bằng bộ binh - quân địch xe tăng thiết giáp. Trận đánh chiều ngày 17/4, địch dùng lực lượng xe tăng, thiết giáp kết hợp với pháo kích trong căn cứ Trảng Bom bắn đến cấp tập vào đội hình ta. Đại đội 9, triển khai đội hình chiến đấu, quan sát qua đồng ruộng khoảng 200 đến 300 m, bên kia bìa rừng xe tăng, thiết giáp địch thành hàng ngang. Đại đội trưởng Viễn, điều tôi (Mùi) xạ thủ súng B41; đồng đội Tịnh, xạ thủ súng B40 lên phía trưởc cảnh giới sẵn sàng chiến đấu. Anh Tịnh đào hầm chiến đấu ở tư thế ngồi bắn sau một gốc cây; tôi đào hầm ở tư thế nằm bắn sau bờ đất, cách anh Tịnh khoảng 3mét. Liền đó, pháo kích địch ầm ầm bắn đến chùm kín đội hình chiến đấu của đại đội 9. Xe tăng địch ầm ầm xuất kích, bắn như vãi đạn. Hai xe tăng địch thẳng tiến vào hướng 2 chúng tôi, tôi nói với anh Tịnh bắn chiếc bên trái, tôi bắn chiếc bên phải. Khi chiến xe vào tầm ngắm, tôi bóp cò, quả đạn B41 nổ tung lửa chùm kín xe tăng địch, nhưng anh Tịnh vẫn chưa nổ súng. Một tiếng nổ đanh, đất đá vung vụ hất tung gốc cây nơi anh Tịnh đào hầm chiến đấu. Anh Tịnh hy sinh, liền đó, anh Nguyễn Văn Sinh, Y tá đại đội đến cõng anh Tịnh về tuyến sau. Tôi chuyển tìm, lợi dụng địa hình, địa vật tiếp tục chiến đấu. Thế trận các ngày hôm sau xẩy ra ác liệt hơn, giành giật từng gốc cây, bờ đất, ụ mối, mùi thuốc súng, đất đá khét lẹt, rừng cây cao su trụi lá, trơ gốc. Quân địch mạnh vì sắt thép “xe tăng, thiết giáp và pháo kích, kể cả máy bay ném bom”, bộ đôi ta thương vong nhiều, nên cấp trên ra lệnh rút quân để bảo tòan lực lượng. Khoảng 01 giờ sáng ngày 20/4/1975, lực lượng của Sư đoàn 341,(Quân khu 4) vào thay thế, chúng tôi chỉ còn 11 tay súng đều bị băng bó vết thương vẫn tiếp tục chiến đấu đến khi có lệnh rút quân.

                                                                                    Bài à ảnh: Nhân Mùi