Nguyên nhân bệnh lao trở nên nghiêm trọng do tuyên truyền chưa tốt; vi khuẩn lao lây theo hô hấp; nhưng nước ta vẫn còn kỳ thị người mắc bệnh lao, nên bệnh nhân mặc cảm, giấu bệnh. Bệnh lao phải chữa theo phác đồ điều trị dài, rất nghiêm ngặt từ 6 tháng đến 24 tháng phụ thuộc vào bệnh nặng hay nhẹ; lại uống nhiều loại thuốc một lần, phải uống đúng giờ, đúng số ngày, nên bệnh nhân rất mệt mỏi, nhiều người không đủ kiên trì uống đúng phác đồ điều trị, dẫn đến kháng thuốc, phải dùng phác đồ điều trị khác nặng hơn, thời gian dài hơn. Khu đông dân cư; đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn là 2 địa bàn tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất.
Đó là thông tin chính thức của lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương trong cuộc Giao ban lãnh đạo Báo chí toàn quốc sáng ngày 8-5-2018 tại Hà Nội.
Để “đến năm 2030 chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam” theo Nghị quyết 20, kỳ họp thứ 6, BCH T.Ư Khóa XII, đòi hỏi mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức hãy cùng hành động làm thật tốt công tác tuyên truyền để cộng đồng nhận thức đầy đủ về bệnh lao, phòng tránh lao và chữa bệnh lao, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Thục Anh