Nóng chuyện giá lúa
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT diện tích vụ đông xuân ở ĐBSCL trên 1,6 triệu ha, ước sản lượng đạt khoảng 11,5 triệu tấn. Trong đó, sẽ thu hoạch trong tháng 3, 4 năm 2014 là 7,57 triệu tấn. Dự kiến, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ trên 9 triệu tấn, tương đương khoảng 4,5 triệu tấn gạo. Theo tính toán của các tỉnh ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân bình quân ở mức 3.769 đồng/kg, tăng 247 đồng/kg so với vụ trước. Trong đó, giá thành sản xuất lúa hiện cao nhất là thuộc về các tỉnh Bến Tre với 4.276 đồng/kg, kế đến là Hậu Giang (4.188 đồng/kg), An Giang (4.166 đồng/kg); thấp nhất là Sóc Trăng với 3.238 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa tươi bán tại ruộng của nông dân hiện nay là 4.200-5.200 đồng/kg (tùy theo giống lúa, khu vực). Nếu quy ra giá lúa khô, thì tương đương nông dân bán lúa với mức giá 5.200-6.200 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn có lãi ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, việc giá lúa giảm khoảng 600 đồng/kg từ đầu tháng 3 đến nay, làm cho nông dân và chính quyền trong vùng đứng ngồi không yên.
Hiện nay, các nước nhập khẩu gạo đều không công bố kế hoạch nhập khẩu, họ chỉ nhập cầm chừng, đủ tiêu dùng và chờ giá giảm do tác động của việc thay đổi chính sách nhập khẩu và do sản lượng gạo nội địa được dự báo ổn định hoặc tăng. Đây là vấn đề mà tỉnh Kiên Giang đang trăn trở để tiếp tục tìm cách luân chuyển, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sản lượng lúa của Kiên Giang hiện nay khoảng 4,6 triệu tấn/năm. Chuyện tăng lên 5 triệu tấn lúa/năm không có gì khó khăn. Giá lúa đang tuột, nếu không có giải pháp can thiệp sẽ tiếp tục giảm. Kiên Giang đã chuyển một phần diện tích chuyên trồng lúa luân canh sang lĩnh vực nuôi trồng khác”.
Quan tâm hỗ trợ cho nông nghiệp
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn; đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược. “Bảo hộ trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, các nước họ cũng đều thế cả. Các bộ, ngành không được coi đây là bao cấp, mà phải xem đó như là chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất”, phải khẩn trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, thu nhập của người nông dân tăng lên. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, gắn với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp đề ra. Theo đó, dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ để phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch... Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo…
Trước thực trạng này, Chính phủ quyết định xúc tiến mua tạm trữ ngay 1 triệu tấn lúa để hạn chế thiệt hại cho nông dân trước nguy cơ giá lúa có khả năng giảm sâu khi vào thu hoạch rộ. Việc mua tạm trữ nhằm để giữ giá thị trường, qua đó kích giá và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Thời gian mua tạm trữ dự kiến đến hết tháng 4 tới với việc hỗ trợ 4 tháng với lãi suất trần 7%, luôn đảm bảo người dân có lời 30%. Về phía nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng cường năng lực tự bảo quản, tìm phương án trữ lúa lại chờ giá phù hợp. Bộ NNPTNT cũng đang gấp rút triển khai kế hoạch giảm khoảng 112.000ha đất trồng lúa trong khu vực, để đến năm 2015 diện tích canh tác lúa toàn vùng chỉ còn tối đa 4,1 triệu héc-ta và năm 2020 còn khoảng 4 triệu héc-ta, đồng thời, Bộ NNPTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL. Hi vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, công tác sản xuất cũng như tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL sẽ đi vào ổn định bền vững, thu nhập của người nông dân sẽ lên cao, tránh “được mùa, mất giá” và mất luôn cả thu nhập.
Bài và ảnh: Phương Nghi