Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn trao quà tới Hòa Thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2020.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16-4. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh quyết định giảm thiểu nhiều hoạt động phật sự truyền thống. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con phật tử tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, đón Tết cổ truyền không quên phòng, tránh dịch; thực hiện nghiêm các chỉ thị, công văn mà Trung ương và tỉnh Trà Vinh đã ban hành.
Thường niên, thời điểm tiễn năm cũ, chuẩn bị đón năm mới này, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh đã được sơn mới và trang hoàng cờ hoa rực rỡ đón tết. Theo truyền thống của đồng bào Khmer, mọi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đều gắn bó với chùa chiền; các lễ hội đều diễn ra trong chùa. Đối với Tết Chôl Chnăm Thmây, hầu hết các nghi thức tổ chức tại chùa như: rước đại lịch, tắm phật, cầu siêu, chúc thọ cho các vị cao tăng, tiền bối, dâng cơm cho các vị sư, đắp núi cát… Nhưng năm nay, các hoạt động này được hạn chế tối thiểu.
Chùa Phật giáo Nam tông Khmer ấp 2, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè có trên 500 phật tử. Mỗi tháng các phật tử tập trung về chùa 4 ngày để sinh hoạt tín ngưỡng. Theo sư cả Thạch Lên, từ khi có các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, các văn bản tuyên truyền của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh những hoạt động tín ngưỡng như thường lệ, phật tử đến chùa còn được các sư tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch, như phải mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, tránh tập trung đông người… Nhờ vậy, hơn một tháng qua, bà con phật tử đều nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Đối với Tết Chôl Chnăm Thmây sắp tới, sư cả Thạch Lên vận động bà con chủ yếu cúng ở nhà, không nên tập trung nhiều về chùa. Trường hợp vào chùa thì phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, cúng xong về ngay không ở lại vui chơi như những năm trước.Thượng tọa Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè cho biết, toàn huyện có 22 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer nằm ở các xã Hòa Tân, Hòa Ân, Phong Phú, Phong Thạnh, Châu Điền, Tam Ngãi và thị trấn Cầu Kè, với hơn 10.700 phật tử. Hiện nay, hầu hết các chùa trên địa bàn huyện đã tạm dừng một số nghi lễ tôn giáo, các vị sư trong chùa không ra ngoài dưng bát và bà con phật tử cũng hạn chế tập trung tại chùa. Để giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Tết Chôl Chnăm Thmây này, đồng bào Khmer có thể tổ chức tổ chức nhỏ trong phạm vi gia đình, hạn chế tập trung đông người. Nếu đến chùa, bà con nên chia theo từng lượt, từng gia đình.
Năm nay, các chùa Khmer tinh gọn nhiều nghi thức truyền thống, cắt giảm một số hoạt động phật sự, không tổ chức các trò chơi dân gian, vui chơi, giải trí. Đối với những nghi thức không thể tối giản như tắm Phật, các chùa sẽ cử đại diện ban quản trị chùa cùng các sư, phật tử tham gia với số lượng giới hạn và phải ra về ngay khi hoàn thành phần lễ.
Theo Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, thực hiện các chỉ thị của Trung ương và Trà Vinh về phòng, chống dịch COVID-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã triển khai đến các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện, hầu hết các chùa đã tạm ngưng nhiều lễ sinh hoạt tín ngưỡng tập trung đông người tại chùa. Dịp Tết cổ truyền năm nay diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh chỉ đạo các chùa Khmer tạo điều kiện cho đồng bào Khmer đón tết cổ truyền trên tinh thần vui tươi, an toàn, luôn luôn ý thức cao trong phòng, chống dịch, tránh các hoạt động tập trung đông người; đặc biệt, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại chùa. Riêng nghi thức tắm Phật, các chùa bố trí phật tử tham gia giới hạn số lượng và phải mang khẩu trang.
Tỉnh Trà Vinh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với gần 330.000 người dân tộc Khmer (chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh).
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hạ tầng vùng đồng bào Khmer ngày càng hoàn thiện. Nhờ vậy, diện mạo phum sóc đã có nhiều đổi thay tích cực, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả.
Ông Kiên Banh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2019, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ hơn 52,5 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 105 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135; hỗ trợ gần 700 hộ nghèo, hộ Khmer phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hộ vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 5,3 tỷ đồng hỗ trợ đất ở 161 hộ nghèo. Đồng thời giải ngân hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ hơn 600 hộ vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, đồng bào Khmer ở Trà Vinh còn được thụ hưởng các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức long trọng, trang nghiêm. Nhưng năm nay, dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, cùng với lời chúc mừng năm mới, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh mong muốn đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền đầm ấm, an vui bên gia đình, luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng; nhất là hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
TTXVN