Nhưng Chính Nghĩa chưa nghĩ đến chuyện riêng tư. Chỉ khi được gia nhập Đội 5 biệt động (thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định), chị mới có dịp để ý đến các anh công tác cùng. Do thường xuyên được bố trí làm nhiệm vụ chung với “chú” Bảy Bê (tên thường gọi của Nguyễn Thanh Xuân, Đội trưởng Đội 5 biệt động) nên tình cảm của hai người dần lớn lên cùng tình đồng chí. Họ hiểu nhau từng cử chỉ, lời nói, cả trong sinh hoạt hàng ngày lẫn thực hiện nhiệm vụ. Nhiều lần hai người phải làm “bình phong” để qua mắt địch, phải giả bộ thân mật như đôi tình nhân, như cặp vợ chồng trẻ để tránh sự nghi ngờ của địch, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Bà Chính Nghĩa kể:

  • Có lần, tôi và “chú” Bảy đi đò ra đến giữa sông thì máy bay địch quần sát trên đầu, người chèo đò sợ quá, bỏ lái, lao xuống sông, “chú” Bảy bình tĩnh nắm lấy mái chèo đưa con đò vào bờ an toàn. Khi lên bờ “chú” Bảy dặn tôi nếu có chuyện gì thì Chính Nghĩa cứ chạy về hướng có du kích, còn để “chú” bắn cản giặc. Với sự quan tâm chu đáo, sự chia sẻ khó khăn gian khổ trong những chuyến đi công tác, chúng tôi yêu nhau. Thế là từ “chú” chuyển sang “anh” lúc nào cũng không hay. Đến tháng 10-1965, chúng tôi báo cáo tổ chức và thưa chuyện với má để xây dựng hạnh phúc. Giữa năm 1966, Bảy Bê bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Đầu năm 1968, Chính Nghĩa cũng bị bắt trong trận đánh vào dinh Độc Lập và cũng bị đày ra Côn Đảo. Dù nơi giam giữ không cách xa nhau, nhưng hai người không một lần giáp mặt. Anh chị mất tin nhau từ đó. Năm 1973, Bảy Bê được ra tù, Chính Nghĩa được trao trả tù binh vào năm 1974, sau đó tiếp tục nhận công tác tại Đoàn 22 (quân báo Miền). Do bị tra tấn tàn khốc , sau khi ra tù, Bảy Bê gần như bị liệt, không đi lại bình thường được. Bọn giặc sợ bị báo chí phanh phui, chúng bỏ anh xuống một cánh đồng hoang, nơi được ngưòi dân địa phương gọi với cái tên đầy tâm trạng là cánh đồng Chó Ngáp, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa (nay là tỉnh Long An). Trong cơn khốn đốn, Bảy Bê được chị Võ Thị Tránh ở ấp Bầu Tre (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) đem về nhà cưu mang, nuôi dưỡng.

Khi sức khoẻ bình phục, Bảy Bê lặn lội đi tìm Chính Nghĩa nhưng không có tin tức gì. Chị Võ Thị Tránh có chồng là bộ đội, hi sinh từ năm 1965. Một mình chị nuôi con gái nhỏ. Sự cảm thông, chia sẻ đã dẫn lối đưa hai người đến với nhau. Sau khi đã hết hi vọng tìm vợ, Bảy Bê đã báo cáo tổ chức để được kết hôn với chị Tránh. Họ có với nhau một cô con gái thật dễ thương.

Đầu năm 1975, trong lúc đi làm nhiệm vụ, tình cờ Bảy Bê và Chính Nghĩa gặp lại nhau ở Bến Súc, Dầu Tiếng (Tây Ninh). Biết tin chồng mình đã có vợ con, chị Nghĩa rối bời gan ruột. Thế rồi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra. Mọi người đều gạt hết tình riêng lao vào trận chiến, tất cả cho mục tiêu giải phóng miền Nam. Đất nước thống nhất cũng là lúc người Đội trưởng biệt động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng. Nhưng cũng từ đây một “cuộc chiến” mới nảy sinh. Anh muốn quay trở về với vợ cũ nhưng lại còn mang nặng ân nghĩa với người đã cưu mang, nuôi nấng mình. Còn Chính Nghĩa nén đau khổ cho nước mắt chảy vào trong. Chị tự nhủ: “Chiến tranh mà. Quan trọng là anh ấy vẫn còn sống. Nếu không có người phụ nữ ấy cưu mang, chắc gì anh còn cơ hội để gặp lại chị, để cho chị còn biết hờn ghen, trách móc. Cũng là phụ nữ với nhau cả, anh ấy cần phải sống với vợ con của anh”. Chị Tránh cũng dằn vặt chẳng kém. Chị nghĩ: Bảy Bê đã cho chị một đứa con. Thế là đủ. Chị muốn anh quay về với người của ngày xưa…

Thế rồi hai người đàn bà đã chuyển từ khổ đau, hờn giận, ghen tuông sang cảm thông, chia sẻ. Họ nói với nhau: “Chiến tranh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ rồi, bây giờ chúng ta đừng tự đánh mất đi hạnh phúc”. Bảy Bê chu đáo với vợ con. Thỉnh thoảng anh lại dành thời gian đưa Chính Nghĩa đi thăm đồng đội cũ và các cơ sở bí mật đã từng che giấu anh em biệt động trong những năm tháng chiến tranh.

Bây giờ thì người Đội trưởng Đội biệt động Sài Gòn trong những năm 60-70 của thế kỷ trước không còn nữa. Câu chuyện tình cảm động của ông được chúng tôi chép lại từ ký ức của hai người vợ: Bà Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) và bà Võ Thị Tránh. Hiện nay bà Chính Nghĩa sống cùng hai người con trong một ngôi nhà ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp. Còn bà Tránh cùng các con thì ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

BĂNG PHƯƠNG