Một lớp học ở Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng).

Một tin vui làm nức lòng nhiều người không chỉ ở Điện Biên mà ở nhiều nơi trên cả nước, ngày 22-5-2019, UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ công nhận xã Mường Phăng đạt chuẩn nông thôn mới. Vui vì đây là địa danh gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về mỗi khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Về Mường Phăng những ngày này, nhìn những tán rừng đặc dụng xanh ngát, những nếp nhà sàn nằm san sát bên đường, ruộng đồng xanh mướt một màu, chẳng mấy ai nhận ra một Mường Phăng nghèo đói ngày nào. Xã Mường Phăng có tổng diện tích gần 3.500ha, hơn 1.100 hộ với gần 5.300 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Kinh, Mông, Thái. Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Mường Phăng chưa đạt tiêu chí nào, tỷ lệ hộ nghèo là 42,35%, thu nhập đạt 3,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ… Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp quan tâm đầu tư đã tạo tiền đề giúp Mường Phăng phát huy được tiềm năng sẵn có. Tất cả Đảng bộ, các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới… Ông Lường Văn Ó - Chủ tịch Hội CCB xã Mường Phăng cho chúng tôi biết, Hội CCB xã  đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn phát triển kinh tế. Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện vay trên 5 tỷ đồng giải quyết cho 80 hộ gia đình hội viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ CCB Lò Văn Tình ở bản Khá. Trước đây thuộc diện nghèo, đầu năm 2010, ông Tình mạnh dạn vay vốn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi bán nhốt. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của gia đình có 13 con và 2 ao cá, trở thành hộ giàu… Hội CCB xã Mường Phăng có hơn 144 hội viên thì đến nay có 47% hộ CCB  khá và giàu; số hộ nghèo chỉ còn 10 hộ. Nhiều hộ đã hiến công, hiến kế, đóng góp sức người, sức của, đặc biệt là đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất xây dựng nông thôn mới.  Ðoạn đường vào bản Yên 3 ngày xưa rất khó đi, khi Nhà nước hỗ trợ xi măng, đá để làm đường bê tông, người dân mừng lắm, bàn nhau hiến đất, mọi nhà cắt cử nhau cùng làm. Hàng tuần, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vận động người dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm

Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, cuộc sống người dân và bộ mặt xã Mường Phăng đã thay đổi hẳn. Xã đạt 19/19 tiêu chí, với 44/49 chỉ tiêu; thu nhập tăng từ 3,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 lên trên 30 triệu đồng vào năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,35% năm 2011 xuống còn 10,51% năm 2018; tỷ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn về chất lượng nhà ở đạt 100%; 100% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh đạt 64,25%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%. Hệ thống giao thông trên địa bàn được sửa chữa, nâng cấp nhựa hóa và bê tông hóa 37km nối từ trung tâm xã đến huyện. Đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm với hơn 43 km. 5/5 trường học các cấp đều đạt trường chuẩn quốc gia. Hiện tại, xã Mường Phăng có gần 500ha lúa hai vụ, nâng tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt hơn 2.560 tấn/năm, bình quân đầu người đạt gần 5tạ/người/năm. Ngoài ra, người dân Mường Phăng trồng được 229ha cây lấy bột, gần 40ha rau màu, 25ha cây ăn quả, hơn 63ha nuôi thủy sản, giải quyết hoàn toàn chuyện thiếu đói trước đây và bước đầu cung ứng ra thị trường. Nhà mái ngói, nhà đổ bê tông bên những ngôi nhà sàn truyền thống san sát bên đường... Ai lâu chưa về Mường Phăng, nay cũng khó nhận ra.

Không chỉ sản xuất giỏi, với thế mạnh là địa bàn có di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ sau, Mường Phăng đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm lịch sử và du lịch cộng đồng. Nhiều năm qua, các di tích thành phần của Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng đã phát huy vai trò là hệ thống di tích trọng điểm, thu hút du khách khắp nơi, đặc biệt trong những ngày lễ lớn, xã Mường Phăng đón từ 2.000-2.500 lượt du khách/ngày. Du khách khi về Mường Phăng, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử còn được trải nghiệm, hòa mình vào các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xên bản, Cầu mưa, thưởng thức các làn điệu dân ca và trải nghiệm thực tế với nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn đang được gìn giữ ở các bản, trở thành điểm dừng chân lý tưởng đối với khách du lịch. Những kết quả ấy, cách đây ít năm, nhiều người nằm mơ cũng không thấy, bây giờ đạt được, ai cũng vui.

Mường Phăng đang đổi thay từng ngày và luôn xứng với niềm tin của nhân dân cả nước.

Minh Giang