Nhìn lại hành trình và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đánh giá đúng vai trò, vị trí quan trọng của doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước góp phần khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường trong hoạt động kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường và phát triển.
Ngày 10/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc” với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nhà văn, nhà báo tên tuổi. Qua buổi Tọa đàm nhằm góp thêm những góc nhìn và những ghi nhận về sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ở Việt Nam, ngày 13/10/1945, ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của giới chủ doanh nghiệp - những doanh nhân tiên phong để bàn chuyện kiến quốc. Người chia sẻ, đồng cảm và kêu gọi sự đóng góp cũng như khẳng định sự công nhận về vai trò, sự đóng góp của giới công thương.
Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong quá trình cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” này, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Năng lượng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân Việt Nam; Doanh nhân Việt Nam: Thành công, thất bại, hạnh phúc và nhân văn; Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc; tham gia thảo luận về tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với tinh thần dân tộc và xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc thời kỳ đổi mới.
Toàn Thắng