Sinh ra lớn lên trên vùng quê nghèo Hoằng Hoá (Thanh Hoá), thời thanh niên từng tham gia chiến trường biên giới Việt - Lào, nữ quân y Doãn Thị Lịch được tôi luyện ý chí và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong những năm tháng gian khổ ấy.

Buổi đầu xuất ngũ về quê hương, công tác trong một cơ quan nhà nước, chị Doãn Thị Lịch không thể quên những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh. Chiếc xe đạp Thống Nhất đã cùng chị lặn lội trên khắp nẻo đường chở những bó rau khoai đi bán kiếm dăm ba đồng. Nhưng với ý chí và tư duy nhạy bén, năm 1990 chị chính thức đặt chân vào ngành kinh doanh xăng dầu bằng số tiền tích góp được sau tháng ngày nhọc nhằn "xe rau" cùng với sự ủng hộ của gia đình. Công ty TNHH Thanh Lịch của chị từng bước phát triển vững chắc.

Trong sâu thẳm lòng mình, chị luôn suy nghĩ và hy vọng mình sẽ làm được điều gì đó để chia sẻ cho những mất mát mà đồng đội mình đã phải đánh đổi. Thực tế quê hương Hoằng Hoá có tới 1/5 diện tích vùng ven biển, người dân nơi đây có cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, nhiều trẻ nhỏ rất “khát chữ” nhưng vì hoàn cảnh gia đình sớm phải lao động kiếm sống nên không thể tiếp tục con đường học vấn. Rồi hàng ngày chị bắt gặp cảnh những học sinh thi rớt trường công lập không nơi học hành, lang thang ở các quán xá, chơi game... Tất cả những điều này càng thôi thúc chị đầu tư vào lĩnh vực "trồng người".

Hơn ai hết chị hiểu giáo dục là một lĩnh vực đầu tư đòi hỏi dài hơi và đem lợi nhuận thấp, nhưng chị vẫn quyết định thành lập Trường THPT Hoằng Hoá để lấy chỗ cho con em vùng biển nghèo theo học cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho con em đồng đội của mình. Đặt tại xã Hoằng Ngọc trên diện tích 2,2ha với tổng giá trị ban đầu 20 tỷ đồng, Trường THPT Hoằng Hoá là trường trung học tư thục đầu tiên trên mảnh đất Hoằng Hóa và là trường duy nhất của tỉnh Thanh Hóa đào tạo học sinh sau khi ra trường có hai tấm bằng: Bằng tốt nghiệp THPT và Bằng Trung cấp nghề. Những em không có điều kiện học tiếp lên trình độ đại học thì với chứng chỉ nghề, các em có thể đi làm ngay để kiếm sống.

Tiếp đó, chị Doãn Thị Lịch còn thành lập Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Thanh Lịch liên kết với các trường Cao đẳng Hàng hải 1 Hải Phòng, Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, Trung cấp nghề thương mại - du lịch Thanh Hóa đào tạo các nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Chế biến món ăn, điều khiển tàu biển, sửa chữa máy móc và kế toán.

Đến nay, mô hình giáo dục của trường đạt chuẩn về chất lượng đào tạo. Mỗi khóa, Trường THPT Hoằng Hóa tuyển sinh 800 học sinh, Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Thanh Lịch tuyển 300 học sinh.

Chị Doãn Thị Lịch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Lịch, cho biết: “Tôi miễn giảm học phí cho con em nghèo và con em đồng đội từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Hằng năm, chúng tôi dành từ 30 - 100 triệu đồng để làm công tác từ thiện nghĩa tình đồng đội, cho nạn nhân chất độc da cam, nâng cánh ước mơ...”.

Với bao bộn bề trong công việc kinh doanh và hoạt động xã hội, nhưng như một nhiệm vụ cuộc đời, hằng năm cứ vào dịp Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), chị lại khăn gói lên đường vào thăm lại chiến trường xưa, nơi mà những đồng đội đã hy sinh nằm xuống. Chỉ với nén nhang thắp cho đồng đội nhưng đó lại là cả một việc làm mang nặng chữ  Tâm - chữ Nghĩa, là cử chỉ thật đơn giản nhưng mang cả trọng trách đời người!

Hồ Thanh Hương