Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với NCC với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Trước mắt cần phải thể chế hoá đầy đủ các quy định về xác nhận NCC (sửa đổi, bổ sung một số căn cứ xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống và người đã hy sinh, từ trần; sửa đổi, bổ sung đối tượng được xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh). Đồng thời cần điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi về kinh tế-xã hội nhằm nâng cao mức sống NCC để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội (bổ sung chế độ mua BHYT đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác; chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có đủ điều kiện công nhận là NCC giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; quy định về việc ủy quyền đi thăm viếng, di chuyển mộ liệt sĩ đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ).
Thứ hai, tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc NCC thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCC.
Ba là, thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, giảm nghèo… tạo điều kiện cho bản thân NCC và gia đình họ (đặc biệt là con của họ) học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Và cuối cùng, vấn đề đổi mới quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội, chú trọng cả 3 nội dung thể chế chính sách, tổ chức bộ máy và công chức, công vụ. Chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn đảm bảo chính xác; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và về công tác quản lý các chế độ, quản lý đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các văn bản quy định về chính sách ưu đãi NCC; phát huy dân chủ và công khai trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC, phát hiện vi phạm đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó, tập trung vào những đối tượng NCC còn tồn đọng. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, tham ô. Tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với NCC với nước. Tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực NCC từ khâu nghiên cứu, quản lý chỉ đạo đến tổ chức thực hiện với cơ sở vật chất, trang thiết bị tương xứng với yêu cầu của công việc, đồng thời nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ cả về đạo đức và năng lực.
Bài và ảnh: Kim Loan