Cảnh quan Côn Đảo hôm nay.
“Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”
23 giờ ngày 30-4-1975, lính gác mở cửa phòng 24 khu H, trại VII, nhà tù Côn Đảo báo tin chính quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng. Anh em tù chính trị nhận định, có thể Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng cũng có thể đây là âm mưu thủ tiêu của địch, do vậy phải thận trọng nghe được chính xác từ radio.
Bộ đội Sư đoàn 3, Quân khu 5 tiến vào Côn Đảo trưa 4-5-1975.
Khi chắc chắn Sài Gòn được giải phóng, những người tù chính trị nhanh chóng loan báo tin tới các phân trại. Tiếng reo hò hân hoan vang lên dậy trời. Những người tù chính trị quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời gồm 7 người để lãnh đạo cuộc nổi dậy do đồng chí Trịnh Văn Tư làm Bí thư, thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy lâm thời, 8 giờ sáng 1-5, thị trấn Côn Đảo đã hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng. 15 giờ ngày 2-5, Đảo ủy liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”.Du khách thích thú với hoạt động thả rùa về biển ở Côn Đảo .
... 43 năm sau ngày giải phóng, những dấu tích “địa ngục trần gian” vẫn còn nguyên ở huyện đảo Côn Đảo. Những cây bàng cổ thụ trăm tuổi vẫn xanh lá, rì rào đón gió biển. Những chuồng cọp, phòng giam xám xịt - nơi không biết bao nhiêu những chiến sĩ cách mạng đã đổ máu, hi sinh, vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng cuộc sống ở huyện đảo đã hoàn toàn thay da đổi thịt.
**Thiên đường du lịch
**
Cùng với các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc và những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 774 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2016; giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 40 tỷ đồng, tăng 10%; giá trị sản xuất ngư nghiệp hơn 62 tỷ đồng, tăng 43%; tổng doanh thu thương mại - dịch vụ 2.224 tỷ đồng, tăng gần 32%. 10 khu dân cư, 60 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và 376 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục.
Đặc biệt, Côn Đảo được những người yêu mến ví như thiên đường du lịch. Do nằm trong vùng khí hậu Á xích đạo - hải dương nóng ẩm, nhiều nắng gió, Côn Ðảo có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, với 6.000ha rừng xanh bạt ngàn chứa gần 150 loài động vật, 882 loài thực vật quý hiếm. Bao quanh đảo là dải cát trắng trải dài tạo nên nhiều bãi tắm đẹp, vùng biển có hàng trăm loài cỏ biển, san hô, rong biển..., đặc biệt là đồi mồi, bò biển và rùa. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, Côn Đảo còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như miếu bà Phi Yến, chùa Núi Một, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử cách mạng như nhà tù Côn Đảo, cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương...
Thế mạnh này được chính quyền, người dân huyện đảo phát huy và đem lại những kết quả ấn tượng. Trên địa bàn huyện Côn Đảo hiện có 27 tuyến tham quan du lịch các loại, gần 50 cơ sở lưu trú, sức chứa khoảng 2.400 người/ngày. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch được quan tâm đầu tư, cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo cho biết: Năm 2017, tổng lượt khách tham quan du lịch đến Côn Đảo đạt 244.000, tăng 46% so với năm 2016; tổng doanh thu du lịch đạt 1.166 tỷ đồng, tăng hơn 45%. Trong quý I-2018, Côn Đảo đón và phục vụ 46.564 lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế là 8.998 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 232,9 tỷ đồng, tăng 32,11% so với cùng kỳ...
Những kết quả đạt được trong năm 2017 tạo thế và lực mới cho bức tranh kinh tế của huyện đảo trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Côn Đảo đang thực sự cất cánh, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đăng Song