Lợi ích mà Uber và Grab mang lại cho xã hội là rất lớn.
Đây chính là cách thức mà nền kinh tế chia sẻ vận hành. Nó không thể đảo ngược, vì kinh tế chia sẻ hiệu quả hơn, khai thác tài nguyên ít hơn, thân thiện với môi trường hơn và nhân bản hơn.
Tuy nhiên, Uber và Grab cũng đang đẩy các hãng taxi truyền thống vào một cuộc cạch tranh không cân sức.
Sự vượt trội về công nghệ, về ý tưởng kinh doanh chỉ là một nửa của vấn đề.
Nửa khác là nhiều quy định của pháp luật lại chỉ được áp dụng cho các hãng taxi truyền thống, lại không áp dụng được cho các xe ô tô của Uber và Grab.
Các quy định này đang làm cho chi phí của taxi truyền thống bị đội lên rất cao, môi trường kinh doanh trở nên bất bình đẳng.
Nhưng không thể cấm Uber và Grab để bảo vệ taxi truyền thống. Vì như thế có khác gì cấm xe chạy bằng động cơ đốt trong để bảo vệ xe chạy bằng sức ngựa?
Cấm là quay lưng lại với tương lai. Uber và Grab đang thúc đẩy cạnh tranh. Điều này chỉ có lợi cho người tiêu dùng và có lợi cho sự phát triển xã hội nói chung.
Vấn đề là để cạnh tranh với Uber và Grab, các hãng taxi truyền thống cũng cần áp dụng công nghệ hiện đại để phục vụ khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, Nhà nước cần nhanh chóng loại bỏ hoặc sửa đổi các quy định pháp lý không hợp lý để giảm thiểu chi phí và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho taxi truyền thống. Ví dụ, các tuyến phố cấm xe taxi truyền thống thì cấm cả xe của Uber và Grab - cấm không khó. Lịch trình của các xe ô tô Uber và Grab đều được lưu giữ, cảnh sát có thể căn cứ vào đó mà phạt nguội các xe này.
Bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng