Tôi đã từng cùng đơn vị hành quân qua vùng đất lửa Quảng Bình; nơi hố bom Mỹ ken dày nham nhở tại những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ… Vậy mà các chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP), phần đông là nữ, vẫn trụ bám kiên cường, bắn trả máy bay, rà phá bom nổ chậm và sửa chữa đường cho những đoàn xe ra phía trước.
Tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ kể lại câu chuyện vô cùng cảm động khi vào vùng bom đạn ác liệt gặp một tiểu đội nữ TNXP: “…Đơn vị này có một nữ Tiểu đội trưởng quê Thanh Hóa. Khi giải ngũ trở về quê, tìm đến nơi thì ngôi nhà thân yêu của chị đã thành một hố bom lớn! Cả gia đình chị không còn ai sống sót. Nén đau thương, chị tình nguyện trở lại vùng đất lửa, tiếp tục công việc trong đạn bom đêm ngày…”.
Tác giả viết tiếp: “Đầu năm 1972, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Tôi có dịp trở lại con đường Trường Sơn, tìm gặp lại đội TNXP năm xưa, thì được tin họ đã đi sâu vào chiến trường. Không biết họ sống chết thế nào. Đi thêm vài chục cây số nữa, tôi gặp rất nhiều hố bom đọng đầy nước. Những ngày ác liệt trong tiểu đội của họ ai còn? ai mất? Có bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trên những tuyến đường ra trận. Chuyện kể về họ thật mà như huyền thoại. Đêm đêm, khi máy bay Mỹ quần đảo, ném bom hòng triệt phá con đường lưu thông Nam - Bắc, đã có biết bao người lính cảm tử, tự mình thắp lên những ngọn đuốc đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom đạn về phía mình, để cứu con đường khỏi bị thương. Hiếm hoi có người trở về. Còn những người hy sinh, thân xác họ hòa vào đất đai dưới đáy hố bom.
Tôi nhìn xuống hố bom. Nước đọng lại những khoảng trời trong vắt. Một cánh chim bay qua. Một đám mây bay qua. Cả mặt trời cũng dừng lại nơi này. Ai đã chết ở đây? Là ai? Là ai?... Tôi nhớ đến những người lính cảm tử, những người nữ TNXP mà tôi đã gặp. Biết đâu họ cũng đã hóa thành một khoảng trời trong hố bom này!
- Các bạn ơi! Các bạn ở nơi nào? Tôi kêu lên. Im lặng. Không có tiếng trả lời. Mà chỉ có những khoảng trời lặng lẽ vời vợi nhìn tôi. Bài thơ “Khoảng trời hố bom” của tôi đã được viết ra từ sự thật bi tráng đó”.
Mở đầu bài thơ là lời kể như một câu chuyện huyền thoại giữa những ngày cả nước đang sục sôi đánh Mỹ trên một trọng điểm đường ra trận: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom”.
Những chuyến xe ra tiền tuyến qua vùng trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ thường chạy vào ban đêm. Sự quyết định của cô gái TNXP này không phải là nhất thời mà là sự suy nghĩ, cân nhắc, cộng với lòng quả cảm, gan dạ của con người từng trải qua bom đạn.
Cô đã đốt một bó đuốc lớn, chạy về hướng khác để thu hút bọn giặc trời. Chúng đã mắc mưu của người con gái dũng cảm; trút bom xuống một cách điên cuồng. Và người nữ TNXP ấy không trở về nữa! Bom Mỹ đã vùi lấp em dưới những hố bom nóng bỏng căm hờn…
Những đồng đội nối tiếp nhau vào chiến trường khói lửa. Nhìn hố bom, gặp hố bom là nhớ câu chuyện bi hùng ngày nào đang hiển hiện: “Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn/ Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái/ Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh”.
Em đã hy sinh nhưng tâm hồn, hình ảnh thân thương của người con gái vẫn còn sống mãi. Một khoảng trời nhỏ bé của cuộc đời đã nằm yên trong lòng đất nhưng trên bầu trời xuất hiện những vì sao lung linh… Có phải hồn thiêng của em đã bay lên thành những vì sao đất nước !
Sự hy sinh cao cả đó hóa thành bất tử bởi vẫn còn bóng hình em loồng lộng giữa cuộc đời này. “Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài”.
Hình ảnh thật đẹp, thật huyền ảo, linh thiêng… Thịt da em đã hóa thành những vầng mây trăng, bay hồn nhiên trên bầu trời đất nước… Vầng dương dường như cũng thấu cảm, cũng đồng cảm với sự hy sinh lớn lao của em. Cả vầng dương cũng thao thức, cũng nghiêng mình trước cái chết bi thương này !
Câu cảm thán “Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực” đầy xúc động! Ánh sáng từ trái tim bé bỏng của em; của người chiến sĩ TNXP quả cảm đã soi đường cho bao lớp người kế tiếp bước lên…
Tác giả cũng như bao người đồng đội khác, vô cùng tiếc thương cho sự hy sinh cao đẹp của em, người nữ TNXP dũng cảm! Tên em đã thành tên con đường nơi trọng điểm… Em ra đi và gửi lại tên mình: “Tên con đường là tên em gởi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em/ Gương mặt em bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng”.
Thương quá câu thơ “Cái chết em xanh khoảng trời con gái”; khoảng trời trong xanh, khoảng trời hồn nhiên và khoảng trời xanh biếc mãi với thời gian.
Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo:
- Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX - nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Quang Huy, tuyển chọn và giới thiệu - NXB Văn hóa Thông tin; Công ty Văn hóa trí tuệ Việt, 2006.