.
Xa xôi chưa có ai quen thuộc nên cơ quan đầu tiên tôi tìm đến là hội văn học nghệ thuật tỉnh và người đầu tiên muốn gặp là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư . Đọc văn của chị qua tập truyện ngắn đầu tay Ngọn đèn không tắt và cùng ngồi dự xét thông qua giải thưởng hàng năm của hội nhà văn Việt Nam tôi thú thực lạ lẫm qua từng trang viết chắc tay cùng những dòng chữ uyển chuyển nhưng khá già dặn của một cây bút mới toanh nghe nói còn rất trẻ về tuổi đời. Anh chị em trong hôị văn nghệ Cà Mâu rất thân tình, nhà văn Nguyễn Thanh – Chủ tịch hội bảo tôi : “Ông đến chơi lúc này chẳng hiểu có tiện không. Nó vừa đẻ con trai !” – Thấy tôi tần ngần anh rủ rê: “Thế này, tôi sẽ hẹn với nhà thơ Nguyễn Thái Thuận, còn gọi là Ut Trân, cha ruột Ngọc Tư, kéo vài anh em ra vuông tôm của ông ở ấp Sở Tại làm vài li với cá bung, tôm nướng, thú vị biết bao”
Không ham rượu nhưng tôi vội đồng ý ngay !
Hôm sau chúng tôi ra bờ con rạch nhỏ, ông Thanh gọi một cái vỏ lãi và chúng tôi bước xuống. Con thuyền lướt rất nhanh giữa dòng chẩy, chui qua cả những gầm cống, tới giữa những vuông tôm mênh mông thì ép vào bờ để chúng tôi lên. Chỉ vài chục bước chân tới cái lều lợp lá con con thì một người đàn ông trạc tuổi tôi tuồn qua cửa nhỏ ra ngoài đón. Ông mời. Tất cả theo nhau tuồn vào trong lều và rất tự nhiên ngồi trên sạp có rải chiếu quanh cái nồi lớn đang sôi bùm bụp. Mùi thơm ngào ngạt cuộn quanh. Chủ nhân – Nhà thơ Nguyễn Thái Thuận vui vẻ nói : Cá đã chín, ta bắt đầu luôn chứ ? – Tất nhiên, ông Nguyễn Thanh trả lời rồi thêm: “Nam Cao và lão Hạc chỉ với bát nước chè với mấy củ khoai luộc còn tuyên bố chúng ta không nên hoãn sự sung sướng lại kia mà !”. Vậy là rượu rót ra, từng cốc đầy, từng bát đầy, làm tôi phát hoảng. Ut Trân mở vung nồi. Con cá cong mình đầy khêu gợi. Ông nói : Cá vồ đó ! Con này ba cân. Cứ giải quyết xong cái món này đã, sau đó ta sẽ tính đến tôm hay các món nhậu khác đang đầy ngoài ruộng kia.
Nhưng mà tôi đâu có uống được rượu, chạm bát đánh keng rồi ăn là chính và cứ đá đưa chuyện này chuyện khác, vừa ăn vừa nhởn nhơ nhìn quanh, nhẩm đếm những lưới vó cùng bao dụng cụ bắt tôm bắt cá. Ut Trân có đọc một bài thơ nhưng thú thực là tôi nghe lơ đãng và không nhớ, rồi tôi hỏi :

  • Bác có đọc văn của Ngọc Tư không ?
  • Tất nhiên !
  • Và cả góp ý nữa?
  • Góp ý gì được - Ông nói nhanh - Nó miệt mài lao động là phẩm hạnh của cha ông để lại, còn tài nghệ đến đâu là do trời ban thưởng tôi bảo ban sao được.
    Quả là như vậy ! Nhớ lại hôm họp với BCH hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng gật gù: “Con nhỏ này viết được!”. Ngày ấy tôi làm chánh văn phòng Hội nên chỉ dự với tư cách thư kí ghi chép, nhưng rất tán đồng với nhận xét của ông, nên vào trong này là muốn tìm đến thăm Tư. Ông Thuận nói là để tâm sự với riêng tôi chứ anh em trong này ai còn lạ gì nữa mà nói:
    Hai anh em chọn một chỗ ngồi hàn huyên ông bảo:
  • Tôi sinh 1939, có ba con, Út Tư, đẻ 1976. Năm 1957 tôi tham gia hoạt động cách mạng làm nhân viên văn phòng huyện ủy rồi tỉnh ủy. Năm 1967 được cử vào ban thường vụ đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng tỉnh Cà Mâu. Năm 1974 được cử về “R” học lớp báo chí. Năm 1975 tham gia giải phóng và tiếp quản Sài Gòn rồi về công tác ở Liên hiệp công đoàn tỉnh Cà Mâu. Tôi yêu say văn học và thích sáng tác thơ nhưng chỉ ở mức bàng bạc vậy thôi…
    Nghe chuyện ông xong tôi lấy cớ thích quan sát cảnh vật nhưng thực chất là không uống được rượu ngồi mãi thấy chuế chuế và được tán đồng. Ra ngoài ngăm kĩ thấy trời đất thật tình từ ngoài bắc vào không đâu có được. Rừng đước và tràm chạy dài xa xa đến hút tầm mắt và từ chân rừng tới nơi đây là những vuông tôm bát ngát. Nước xếnh xáng và loang loáng ánh nắng mặt trời. Ut Trân có hai vuông và mỗi mảnh chừng ngàn rưỡi đến hai ngàn mét vuông gì đó, nuôi tôm, thả cá. Những con chim như chim trả ngoài Bắc, mỏ rất dài, bay đứng, phát hiện ra con mồi lượn lờ là lao xuống thẳng tắp hoặc chéo chéo như đường kẻ chỉ, đánh bụp, rất chuẩn xác, liền quay trở lại với con mồi đang rẫy rụa nằm ngang hai bên mép. Ut Trân nhìn ra ngoài thấy vậy bảo, loài chim này khi tôm cá còn nhỏ là phải canh chừng đó, giờ thì khỏi lo, những thứ mình nuôi lớn rồi và chúng ăn chìm loài chim từ trên không kia khó phát hiện. Tôi lại say sưa ngắm những rạch nước cắt ngang cánh đồng cùng mấy chiếc vỏ lãi nối nhau trôi nhanh. Con người trên thuyền, trên ruộng, trên đồng vật lộn, động tác làm việc mạnh mẽ, dứt khoát, những câu trao đổi qua lại của họ ngắn, gọn, đủ nghĩa, đôi khi trợn trạo và không uốn éo mĩ miều. Sống thấm đẵm môi trường như thế đã tạo cho Nguyễn Ngọc Tư có những trang văn mang sức cuốn hút chứa chất nhựa đời và rất riêng của miền cực nam tổ quốc. Bẵng một thời gian tôi không đọc sáng tác nào của chị ngoài những trang ngắn đăng trên văn nghệ và văn nghệ trẻ, rồi đánh đoàng một cái, Cánh đồng bất tận in liền ba kì báo của hội nhà văn Việt Nam. Tôi đọc một mạch và nói với nhà văn Ma Văn Kháng : Tài ! Thật là tài ! Tác phẩm tạo ra dư luận, nhanh chóng được in thành sách và dựng phim. Mừng cho chị quá ! Và mừng cho Ut Trân .
    Tôi nghỉ hưu chẳng có điều kiện vào trong đó nữa. Một ngày mới đây đọc xong tiểu thuyết Sông – tiểu thuyết đầu tay của Nguyển Ngọc Tư thì phải, tôi điện vào trong đó, ông Thuận đã nghỉ hưu làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ của phường, vẫn say sưa công tác sáng tác với hội văn học nghệ thuật của tỉnh và vừa cho ra tập Sông trăng. Còn Nguyễn Ngọc Tư thì trả lời giọng rất khỏe:
  • Chú ơi, cháu có hai con rồi, lẽ tất nhiên lúc nào cũng viết và nghĩ đến viết . Nghề và nghiệp mà chú !
  • Lại còn làm thơ nữa. Chú có đọc một số bài.
  • Dạ, cháu có làm. Cũng còn đang mới mẻ lắm, rồi thời gian trả lời xem khả năng mình sẽ đi được tới đâu .
    Đặt máy xuống tôi nhớ đến một vùng sông nước bát ngát, đầy kênh rạch, và những cánh rừng tràm, rừng đước chạy hút tầm mắt đến tận chân trời
    Nhà văn Tô Đức Chiêu
    .