Khách du lịch thăm Thất phủ võ miếu.

Thất phủ võ miếu (dân gian thường gọi là chùa Ông), tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, khu phố 5, thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cho đến bây giờ người ta không rõ di tích này thành lập vào năm nào, nhưng theo những chứng tích còn lưu lại thì chùa Ông được trùng tu vào năm Quý Mùi đời vua Quang Tự, năm 1883. Tính ra đã gần 150 năm tuổi.

Vậy Thất phủ là gì? Thất phủ miếu là bảy phủ: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông (Trung Quốc). Vào đời nhà Thanh, có rất nhiều người Hoa (Minh Hương) ở các các địa phương vừa kể sang nước ta lập nghiệp nên nhà Nguyễn cho phép họ lập “Hội Thất phủ”, tương tự như “Hội Hoa kiều” ngày nay.

Sở dĩ người dân quanh vùng gọi Thất phủ võ miếu là chùa Ông vì nơi đây thờ Quan Công. Quan Công tên thật là Quan Vũ (160-219), tự Vân Trường, quê ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ông là một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (211-264) ở Trung Quốc, là người giỏi võ nghệ, nghĩa khí, cư xử với mọi người rất tốt, tài đức đi đôi. Quan Công được ca ngợi với các phẩm chất: Trung nghĩa, thẳng thắn, hiên ngang, chính trực, đúng nghĩa quân tử. Ông được thờ với biểu tượng chữ “tín” trong buôn bán và được xem là vị tài thần để bảo vệ và mang đến may mắn, tiền tài cho thương nhân. Tín ngưỡng thờ cúng Quan Công có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Úc, Mỹ, hay vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công… Ngoài tên gọi Quan Công, trong dân gian còn gọi tên ông một cách cung kính là Quan Đế, Quan Thánh Đế Quân, Quan Lão gia… Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Nho giáo, cũng như văn hóa tâm linh của người Hoa thời xưa nên rất tín ngưỡng thờ cúng Quan Công.

Thất phủ võ miếu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, một kiến trúc chùa miếu của người Hoa ngày xưa. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là Đông sương và Tây sương (nhà Đông và nhà Tây, người Việt thường gọi là Đông lang và Tây lang). Theo truyền thống xây dựng của Trung Quốc, mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặt biệt có tráng men màu xanh (thanh lưu ly). Đứng trước sân nhìn vào, nét đặc biệt nhất của nghệ thuật kiến trúc vùng Phúc Kiến cũng như nghệ thuật kiến trúc của miếu Thất phủ là mái ngói cong vút và tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian bên, trang trí lưỡng long tranh châu, luỡng long chầu nguyệt, bát tiên,…. Một điểm đặc biệt nữa là miếu Thất phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai ô cửa tượng trưng mặt trời, mặt trăng; trong miếu có nhiều hình ảnh cố sử. Trước miếu bao giờ cũng có phù điêu long - hổ đối xứng tạo sự hài hòa. Trong chánh điện bày trí ba gian thờ (gồm Tài Bạch Tinh Quân, Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Nguyên Quân)…    

Thất phủ võ miếu tuy không bề thế nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, cổ kính, vững chãi. Quanh khuôn viên miếu có hai cây dầu cổ thụ với tuổi đời ngót nghét trăm năm càng tôn lên giá trị hoài cổ. Cổng miếu đến nay vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ như thuở ban đầu, không thay đổi kết cấu hay dịch chuyển. Một số người dân đến đây chiêm bái, nhất là giới thương nhân, đều cho rằng chùa Ông rất linh, nếu thành tâm khấn nguyện, sống tốt, chịu thương chịu khó buôn bán, thì sẽ có tất cả. Chùa Ông còn là địa điểm để các bạn trẻ đến tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Hoa - Việt cũng như chụp ảnh, quay phim làm tư liệu dùng cho việc nghiên cứu.

Hàng năm, Thất phủ võ miếu tổ chức các lễ cúng vào các ngày như: Khai ấn Quan Thanh Đế Quân (13-1 âm lịch), vía Phước Đức Chánh Thần (2-2 âm lịch), vía Bà Thiên Hậu (23-3 âm lịch), vía Quan Thánh Đế Quân (24-6 âm lịch), vía Tài Bạch Tinh Quân (22-7 âm lịch),…Mỗi dịp lễ đều thu hút bà con đến viếng. Đặc biệt là lễ Khai ấn Ông đầu năm, đông đảo cộng đồng người Hoa khắp các tỉnh miền Nam, cũng như người dân huyện Ba Tri đến cầu nguyện may mắn, sức khỏe, bình an và phát tài. Năm 2019, Thất phủ võ miếu được UBND tỉnh Bến Tre xếp hạng Di tích lịch sử  - văn hóa cấp tỉnh, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật gắn với tín ngưỡng dân gian.

Trần Thái Học