Lực lượng chức năng Kon Tum tuần tra bảo vệ rừng.
Sau khi kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các cấp ủy đảng đã xử lý nghiêm những sai phạm. Điển hình, vụ phá 5.278 ha rừng phòng hộ tại khu vực đèo Măng Đen, huyện Kon Rẫy, dù có nhiều nguyên nhân khách quan như lực lượng mỏng (1 cán bộ kiểm lâm phụ trách 1km2 rừng), có thời điểm phải mắc võng trông rừng... nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum vẫn có những kết luận nghiêm khắc.

Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ làm rẫy trái pháp luật nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. UBND huyện Kon Rẫy chưa chủ động tham mưu, đề xuất triển khai các kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy chưa làm tròn nhiệm vụ, thiếu trung thực khi báo cáo, dẫn đến vi phạm kéo dài... Kết luận, khiển trách một tổ chức đảng và 13 đảng viên; về chính quyền, xử lý kỷ luật 16 cán bộ, công chức liên quan.

Vụ trộm gỗ và chống người thi hành công vụ tại rừng đặc dụng Đák Uy, huyện Đák Hà, một tổ chức Đảng và hai đảng viên bị xử lý kỷ luật cảnh cáo; khiển trách ba đảng viên khác và quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng để khởi tố bị can đối với một đảng viên là nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Đák Uy. Đối với vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đák Glei, một giám đốc lâm trường bị cách chức, hai nhân viên quản lý rừng bị cảnh cáo. Ở cấp tỉnh, kỷ luật Phó giám đốc Sở NNPTNT, Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Kon Tum vì thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đồng chí Y Thị Bích Thọ- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng người, đúng việc đã tích cực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhờ vậy, tình trạng chặt phá rừng tại Kon Tum đã giảm. Ba tháng đầu năm 2018, chưa xảy ra vụ xâm hại rừng nào. Các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chú trọng bảo vệ rừng giáp ranh, rừng nguyên sinh; tích cực trồng rừng phòng hộ, rừng đệm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, truy bắt các đối tượng buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép.

Rút kinh nghiệm từ những kết quả hoạt động thời gian qua, chắc chắn công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tại Kon Tum sẽ thu được những thành tích mới, góp phần giữ rừng cho Tây Nguyên, cho đất nước.

Ngọc Toán