Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng để Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan liên quan lắng nghe, trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực ATGT ở Việt Nam hiện nay.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Lần đầu tiên trong nhiều năm, số người chết do TNGT đã giảm xuống dưới 10.000 người, năm 2014 giảm dưới 9.000 người. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ và trăn trở hàng ngày đối với tất cả mọi người.
Từ Diễn đàn này và các kết quả nghiên cứu khoa học khác liên quan đến ATGT, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động trao đổi, trân trọng lắng nghe các ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học... Từ đó, chọn lọc những quan điểm, giải pháp hợp lý, những tri thức mới nhất để đưa vào chương trình hoạt động, xây dựng thể chế chính sách về bảo đảm trật tự ATGT.
“Chính phủ luôn ủng hộ, tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu những dự án, đề tài có giá trị thực tiễn nhằm giải được bài toán về quản lý ATGT đang đặt ra hiện nay, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao thông”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như quản lý ATGT, kết cấu hạ tầng, phương tiện người lái, ứng phó sau tai nạn... Trong đó, cần quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông, góp phần thiết thực để giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tế giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Diễn đàn An toàn giao thông toàn quốc được chia thành 5 Tiểu ban gồm: Quản lý an toàn, hạ tầng và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông. Một số chủ đề được tập trung thảo luận như: Các giải pháp siết chặt công tác kinh doanh vận tải bằng ô tô; Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khả thi kiểm soát xe quá tải; Ứng dụng thiết bị giám sát hành trình để quản lý vận tải; Tìm các giải pháp quản lý lòng đường, vỉa hè; Nâng cao hiệu quả cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ...
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, việc kết hợp các nỗ lực đa ngành cũng như việc đi sâu, tìm lời giải về chuyên ngành trong giải quyết các vấn đề về ATGT, kéo giảm tai nạn giao thông, không chỉ là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi nhiệm vụ mà cần có câu trả lời về căn nguyên, bản chất, gốc rễ của những vấn đề như hành vi phóng nhanh, vượt ẩu của lái xe, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, độ dốc, bán kính cong của con đường... từ các kết quả nghiên cứu khoa học và việc ứng dụng những công nghệ mới.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu vận tải và phương tiện liên tục gia tăng, nhanh hơn nhiều so với kết cấu hạ tầng, sự hội nhập và giao thoa nhiều giá trị văn hóa-xã hội khác nhau, khiến cho vấn đề ATGT ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi phải thu thập và xử lý một lượng thông tin khổng lồ với tốc độ cao trước khi ra các quyết định. Do đó, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trên cơ sở đó, Ủy ban ATGT Quốc gia quyết định thành lập Diễn dàn an toàn giao thông vận tải Việt Nam do Bộ trưởng Bộ GTVT đứng đầu. Diễn đàn này có chức năng nghiên cứu khoa học, đề xuất, triển khai các hoạt động hàng đầu về ATGT. Diễn đàn đã căn cứ vào 5 trụ cột chính về ATGT mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra: Quản lý nhà nước về ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông./.
Hoàng Linh