(Tiếp theo kỳ trước)

Bài 2: Tư duy về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trước những thủ đoạn của các đối tượng chống phá như bài 1 đã đề cập, chúng ta cần quyết liệt đấu tranh, ngăn ngừa suy thoái niềm tin; giữ vững bản lĩnh chính trị. Muốn vậy, cần hiểu rõ những vấn về nội hàm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và một số vấn đề liên quan để làm cơ sở, nền móng.  

Trước hết, để hiểu được nội hàm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề liên quan, chúng ta cần hiểu được các giai đoạn phát triển của đất nước ta từ khi giành được chính quyền và lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến nay. Bởi thực tế lịch sử Việt Nam đương đại là một dòng chảy liên tục, tập trung, không ngừng nghỉ và hoàn toàn không có sự đứt gãy, chia tách.

Trong tham luận “Đảng Cộng sản Việt Nam - từ kỷ nguyên độc lập đến kỷ nguyên vươn mình”, TS Vũ Thị Hồng Dung, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà trong đó, mỗi kỷ nguyên đều in đậm dấu ấn lãnh đạo của Đảng.  

TS Vũ Thị Hồng Dung phân tích và nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã trải qua 3 kỷ nguyên. Một là, kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là thởi điểm kể từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được chính quyền nhưng rồi lại phải đứng lên chống lại xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm. Hai là, kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là, kỷ nguyên đổi mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Và hiện nay Đảng ta xác định, cách mạng nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình - kỷ nguyên của tương lai, kỷ nguyêncủa khát vọng, của mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên vươn mình được định vị bắt đầu là Đại hội XIV của Đảng. Đó là Kỷ nguyên “mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ và cất cánh”

Khi nói đến nội hàm của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cần thực hiện 7 định hướng chiến lược, bao gồm: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; tích cực chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất; phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII đã đặt ra cho các mốc thời gian 2030 và 2045.

Những điều kiện để bước vào kỷ nguyên vươn mình:  

Thứ nhất, có Đảng cầm quyền lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Trước tình hình xung đột sắc tộc, tôn giáo và chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới thì hòa bình, sự ổn định vốn là điều hết sức bình thường của người Việt Nam hằng ngày đã trở thành một thứ tài sản xa xỉ và rất thèm muốn của các dân tộc khác. Kết quả ngày hôm nay là máu xương, mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ người Việt Nam chung sức, chung lòng, đoàn kết đấu tranh và chiến đấu với kẻ thù xâm lược dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Thứ hai,có tiềm lực, vị thế của đất nước sau 40 năm đổi mới, trong đó độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc được đảm bảo vững chắc.  

Thứ ba,xu thế vận động, biến chuyển của tình hình thế giới mang đến những thời cơ, vận hội mới cho dân tộc như: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nền kinh tế dựa nhiều vào tri thức và tương tác không gian mạng… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy, khi bước vào kỷ nguyên vươn mình, đất nước ta chịu khá nhiều những tác động bất lợi. Việt Nam phải hòa mình với dòng chảy của xu thế toàn cầu hóa và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, đặc biệt là tác hại từ cuộc cạnh tranh thương mại, chiến tranh thương mại.

Thứ tư,ngoài ra, còn là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan công quyền… trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo và không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ của Đảng để lãnh đạo đất nước vững bước trong kỷ nguyên vươn mình.

Để bước đến và tiến tới thực hiện được những mục tiêu của kỷ nguyên vươn mình, trước hết cần nêu cao, làm sâu sắc và lan tỏa khát vọng tự cường, phát triển của dân tộc. Làm cho mỗi cán bộ đảng viên, Nhân dân hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng cũng như nhiệm vụ, mục tiêu của kỷ nguyên vươn mình. Từ đó, phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc.  

Như vậy, có thể hiểu rằng, kỷ nguyên vươn mình là thời điểm bước vào giai đoạn bứt phá, tăng tốc để tiến lên đạt các mục tiêu phát triển con người, kinh tế-xã hội và các tiêu chí khác. Kỷ nguyên vươn mình được kế thừa từ thành tựu từ các kỷ nguyên trước đã được Nhân dân ta đồng sức, đồng lòng thực hiện dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Nhìn lại chiều dài lịch sử của đất nước kể từ khi giành được chính quyền và lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 80 năm, dân tộc ta đã quật cường “rũ bùn đứng dậy” cho dù phải đổ biết bao xương máu.

Cách mạng Tháng Tám thành công không đến từ sự “ăn may” hay do có “khoảng trống quyền lực” mà đến từ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, vai trò của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cùng niềm tin của dân với Đảng; từ khát vọng độc lập của toàn dân Việt Nam; từ sự hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Thắng lợi đó khẳng định ý chí độc lập, tự chủ, vai trò quyết định của sức mạnh nội lực, chỉ khi có thực lực thì thời cơ đến mới đón nhận được và thành công. Đây là một bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, một hành trang đặc biệt để Đảng, Nhân dân Việt Nam vững bước tiến vào thời đại Hồ Chí Minh. Thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà trong đó, mỗi kỷ nguyên đều in đậm dấu ấn lãnh đạo của Đảng.

Nhân dân ta có câu: “Vạn sự khởi đầu lan”. Điều này có nghĩ là, khi bắt tay vào làm việc gì đó, thời kỳ đầu, giai đoạn đầu bao giờ cũng là khó khăn nhất. Nhưng khi khó khăn giai đoạn đầu qua đi thì chắc chắn “đầu sẽ xuôi và đuôi sẽ lọt”. Quá trình phát triển của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.  

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là thắng lợi vĩ đại đầu tiên sau 15 năm có Đảng. Nhưng sau khi lập nước, Chính phủ của Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn, phải cùng lúc chiến đấu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm cùng nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là lúc ấy thế giới chưa công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ, sự tài tình của Đảng còn được minh chứng, kiểm nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực tiễn. Đó là: Khơi dậy được sức mạnh nội lực của toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng, đưa đất nước thoát khỏi thế “ngàn cântreo sợi tóc”, có tâm thế chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để bảo vệ độc lập dân tộc. Làm cho kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất – thực dân Pháp phải thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thực tiễn trong bối cảnh nước Việt Nam mới chưa được một tổ chức quốc tế, quốc gia nào trên thế giới công nhận hay chính thức đặt quan hệ ngoại giao cấp nhà nước. Là sự mạnh dạn dám tuyên bố “Đảng tự giải tán”  (11/11/1945) và quyết tâm đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam (2/1951)…

Từ một đất nước “đất không rộng, người không đông”, quân đội “ấu thơ”, với dân số trên 95% không biết đọc, không biết viết… nhưng Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, đến Hiệp định Paris (1973) rồi chiến thắng 30/4/1975…, đã đánh bại hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh của thực 268 dân Pháp, đế quốc Mỹ, làm cho các thế lực thực dân, đế quốc có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh nhất lúc đó phải thừa nhận không thể thắng Việt Nam bằng quân sự, không thể đối chọi và không thể thắng được ý chí, quyết tâm của cả một dân tộc. Cùng với đó là thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ hai đầu biên giới Tổ quốc ở phía Tây Nam và phía Bắc… Đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong kỷ nguyên độc lập, tự do.

Trần Văn Thái -  Trần Ngọc Thái

( Cục Xe máy - Vận tải, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật)