Ung thư phổi cần được phát hiện và điều trị sớm.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, do sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào bất thường trong phổi. Các tế bào ác tính không ngừng phân chia tạo thành các nốt, khối u, khiến phổi không thể hoạt động bình thường.

Dấu hiệu nhận biết

Ho dai dẳng: Ở người bệnh ung thư phổi, ho xảy ra thường xuyên, dai dẳng mà không biết lý do trong vài tháng hoặc kéo dài cả năm.

Khó thở: Các tế bào ung thư bắt đầu nhân lên với tốc độ nhanh trong phổi sẽ chặn hoặc thu hẹp đường thở, do đó làm giảm luồng không khí vào phổi. Điều này khiến người bệnh khó hít đủ lượng không khí cần thiết để vận chuyển đến tất cả bộ phận trong cơ thể, gây hụt hơi, khó thở.

Khàn tiếng: Ung thư phổi cũng có thể làm thay đổi giọng nói của một người, khiến giọng khàn đặc. Người có bất kỳ thay đổi bất thường nào trong giọng nói nên đi khám sớm.

Đau nhức cơ thể: Có nhiều lý do khiến cơ thể đau nhức như sau khi ngồi quá lâu, tập thể dục quá sức. Người mắc ung thư phổi thường cảm thấy đau ở ngực, vai hoặc lưng.

Sụt cân, mệt mỏi: Khi mắc bất kỳ loại ung thư nào, các tế bào của khối u ác tính sử dụng năng lượng được cung cấp từ thực phẩm ăn vào, dễ dẫn đến mệt mỏi và sụt cân. Giảm cân quá nhanh không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm cả ung thư phổi. Thay đổi cân nặng đột ngột là dấu hiệu ung thư quan trọng không nên bỏ qua.

Phòng ngừa ung thư phổi

Không hút thuốc lá: Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có liên quan đến 80-90% trường hợp tử vong do ung thư phổi. Thuốc lá có hơn 7.000 hợp chất gây hại đến sức khỏe, trong đó khoảng 70 hợp chất là tác nhân gây ung thư. Không hút thuốc lá là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Tránh hút thuốc lá thụ động: Hít phải khói thuốc lá điếu đầu lọc, thuốc lá điện tử, xì gà hoặc ống tẩu của người khác hút đều được xem là hút thuốc lá thụ động. Nên chủ động tránh hít khói thuốc để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi và các bệnh lý nguy hiểm khác.

Hạn chế tiếp xúc khói bụi công nghiệp: Nhân viên làm việc trong môi trường thiếu an toàn, chứa nhiều khói bụi công nghiệp, cần trang bị các dụng cụ bảo vệ hợp lý.

Tránh phơi nhiễm phóng xạ, bức xạ: Tiếp xúc với phóng xạ bức xạ có thể là yếu tố gây ung thư phổi.

Ô nhiễm không khí: Những người sống trong môi trường có tình trạng ô nhiễm không khí cao sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Duy trì lối sống lành mạnh: Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư. Những người có chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ăn quá nhiều thịt đỏ, thường xuyên chế biến thức ăn bằng cách chiên rán nướng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Tập thể dục nhiều hơn: Mỗi người nên duy trì chế độ luyện tập thể dục, thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và giúp nâng cao hoạt động của hệ miễn dịch.

Hầu hết những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm đều không có biểu hiện rõ ràng, vì vậy, dẫn đến việc, chỉ được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến cho hiệu quả điều trị thấp, tiên lượng bệnh xấu và thời gian sống ngắn. Các chuyên gia y tế khuyến nghị, mỗi người nên chủ động thăm khám kiểm tra sức khỏe ít nhất 1-2 lần/năm nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Điều chỉnh lối sống lành mạnh, duy trì tập luyện thể dục giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Thành An